Hà Nội mở cửa trường sau Tết: Giáo viên, nhà trường có ‘kịch bản’ đón học sinh ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau Tết Nguyên đán (ngày 8/2) Hà Nội sẽ mở cửa trường đón học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 học trực tiếp. Phương án này được nhiều phụ huynh và giáo viên đồng tình.

Nhận được thông tin Hà Nội cho phép trường học mở cửa trở lại sau Tết Nguyên đán (từ ngày 8/2), nhiều phụ huynh ở Hà Nội vui mừng ủng hộ phương án trên.

Hợp lý?

Có hai con đang học lớp 4 và lớp 7, chị Đỗ Thị Châm (41 tuổi, ở Hoài Đức) vui mừng trước thông tin sau Tết các con sẽ đi học trực tiếp. Khi năm học mới bắt đầu, hai vợ chồng chị lúc nào cũng mong con nhanh nhanh đến trường. Nhưng cuối cùng các con không những phải học đến kỳ 1 mà còn vắt sang đầu kì 2.

Chị Châm cho rằng, trong thời gian không đến trường, khi bố mẹ đi làm, các con ở nhà học, thỉnh thoảng được vẫn thường được gia đình cho đi chơi, đi siêu thị... . Tuy nhiên, việc các con không được đến trường vì bảo sẽ an toàn cho trẻ là không hợp lý vì bố mẹ là người đi nhiều, việc về nhà tiếp xúc với con nên việc ở nhà chưa chắc đã an toàn hơn đi học.

“Do vậy, quyết định mở cửa trường học của Hà Nội để thích ứng là hợp lý và được các phụ huynh ủng hộ”- chị Châm nói.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Dương (42 tuổi) ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội bày tỏ, việc các con học quá lâu ở nhà đã ảnh hưởng tâm lý trầm trọng tới các con.

“Ở nhà quá lâu khiến tâm lý trẻ bất ổn, ngại giao tiếp, không hoà đồng, thậm chí hay cáu bẳn, thay tính đổi nết. Nếu kéo dài thêm việc nghỉ học sẽ để lại hệ quả tâm lý khó lường với trẻ”- chị Dương nêu quan điểm.

Cô Đỗ Thị Dung, giáo viên trường THCS Dương Liễu, Hà Nội cho rằng, ra tết thì con gái đầu của chị là sinh viên năm nhất của trường ĐH Hà Nội sẽ đi học tập trung. Chị cũng ủng hộ hoàn toàn phương án phải cho trẻ đến trường vì các con đã ở nhà quá lâu, việc học tập cũng bị ảnh hưởng quá nhiều. Chúng ta không nên sợ quá vì các nghiên cứu hiện nay đều cho thấy trẻ bị nhiễm COVID-19 thường nhẹ và nhanh khỏi trong 7 ngày.

“Tôi sẵn sẵn sàng để con đến trường, chấp nhận sống chung với dịch bệnh và rủi ro có thể mắc nCoV. Nếu cùng lắm có bị thì xác định sẽ như cúm mùa”- phụ huynh này chia sẻ.

Nhà trường đã sẵn sàng đón học sinh?

Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, trường sẵn sàng mở cửa sau Tết Nguyên đán. Đến lúc này công tác đón học sinh trở lại trường sau Tết đã hoàn thành.

Để đảm bảo cho học sinh cũng như giáo viên khi quay lại trường học, vị hiệu trưởng này cho rằng, nhà trường đã quán triệt cụ thể ở 2 vấn đề.

Thứ nhất, ở công tác phòng chống dịch, nhà trường đã thực hiện lên kịch bản chi tiết cho việc đón học sinh tới trường (lớp 7;8;9). Kịch bản đã xây dựng các khâu từ việc phối hợp với cha mẹ học sinh kiểm tra sức khỏe học sinh tại nhà, đón học sinh từ cổng trường, các tình huống học sinh học ở lớp.

Đặc biệt, Ông Cường nhấn mạnh, các tình huống khi học sinh, giáo viên, nhân viên nhiễm COVID-19 đều được lên kịch bản chi tiết cho xử lý đảm bảo theo quy định.

Vấn đề thứ 2 là các vấn đề về kịch bản dạy học hỗn hợp. Trong tình huống thuận lợi là toàn bộ học sinh tới trường thì việc dạy học trực tiếp bình thường. Trong tình huống lớp có học sinh vùng dịch không thể tới trường: Nhà trường đã lắp đặt hệ thống internet tới các khu vực của trường với đường truyền ổn định.

Với học sinh ở nhà học trực tuyến cùng các bạn tại lớp, ông Cường cho rằng, nhà trường đã lắp đặt camera ở vị trí bao quát được bảng đen đảm bảo học sinh ở nhà vẫn theo dõi được bài giảng của thầy cô tại lớp.

Bên cạnh đó, theo ông Cường, nhà trường xác định giai đoạn đầu cần có những phương pháp giảng dạy nhằm củng cố kiến thức, hỗ trợ những học sinh chưa vững kiến thức khi học trực tuyến.

Mặt khác, ông Cường cho rằng, một việc không kém phần quan trọng là công tác tham vấn tâm lí học đường giúp học sinh ổn định khi đi học trực tiếp sau một thời gian học trực tuyến.

Về phía các thầy cô giáo, trường hợp là giáo viên ở vùng dịch không tới trường, nhà trường cũng đã thiết lập đường truyền thiết bị hoặc thời khóa biểu để thầy cô vẫn đảm bảo được việc dạy học đúng kế hoạch.

Theo cô Đỗ Thị Thìn, một giáo viên của trường THCS ở Ứng Hòa, Hà Nội, dù số ca bệnh tăng nhưng một số địa phương đã bắt đầu cho học sinh trở lại nên việc cho học sinh Hà Nội đi học sau Tết nguyên Đán là hoàn toàn hợp lý.

"Giữ học sinh ở nhà có thể nghĩ là an toàn hơn nhưng học sinh cũng phải đối diện với rất nhiều hệ lụy. Với kinh nghiệm chống dịch mấy năm qua của các nhà trường, tôi tin học sinh đi học vẫn sẽ tốt hơn cứ mãi ở nhà như trước kia”- cô Thìn chia sẻ.

Cũng theo cô Thìn, việc các con đi học trở lại sẽ có nhiều khó khăn ở thời gian đầu. Vì thế, giáo viên cần có những phương pháp giảng dạy nhằm củng cố kiến thức, hỗ trợ những học sinh chưa vững kiến thức khi học trực tuyến, vực tâm lý chán nản, ì khi học trực tuyến khi học ở nhà.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh quay lại trường sau Tết Nguyên đán, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố đã chỉ đạo Sở GD&ĐT, Sở Y tế tổ chức diễn tập, đưa ra những kịch bản, tình huống khi có F0 tại các lớp, từ đó đưa ra phương án xử lý kịp thời nhất. Chỉ có F0 được cơ quan y tế đưa đi cách ly, còn F1 sẽ được cách ly tại nhà theo phương án chuẩn hiện nay.

Trước lo ngại của nhiều phụ huynh về việc học sinh chưa tiêm bị phân biệt đối xử khi đi học trực tiếp, ông Cương khẳng định, sẽ không có sự phân biệt đối xử và đi học trực tiếp hay trực tuyến là tuỳ thuộc vào sự tự nguyện của phụ huynh học sinh. Các trường luôn đảm bảo học trực tiếp và trực tuyến.

“Với cương vị là Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, chúng tôi rất muốn học sinh quay trở lại học trực tiếp. Chỉ có học trực tiếp thì khả năng truyền đạt và tương tác giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh là tốt nhất”- Giám đốc Sở GD&ĐT cũng nhắn nhủ tới phụ huynh và học sinh.

MỚI - NÓNG
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
TPO - Sự tham gia của 60 nam vương quốc tế cùng loạt hoa hậu, á hậu Việt tại giải chạy quốc tế góp phần kích cầu du lịch, quảng bá văn hóa, ẩm thực thành phố Vũng Tàu đến bạn bè quốc tế.