Hà Nội: Loạt trạm trộn bê tông trái phép 'án ngữ' đất dịch vụ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đất dịch vụ là đất được cấp từ việc thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho các dự án của nhà nước, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Thế nhưng nhiều khu đất dịch vụ của huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị lấn chiếm, thậm chí không hoàn thiện hạ tầng, gây bức xúc cho người dân.

Thời gian qua, hoạt động bàn giao đất dịch vụ cho người dân trên địa bàn huyện Hoài Đức liên tục có những bất cập chưa được tháo gỡ, gây bức xúc cho người dân.

Ghi nhận của PV tại Khu công nghiệp Cầu Nổi (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) ra Đại lộ Thăng Long, hàng loạt xe trộn bê tông tươi di chuyển liên tục kéo theo bụi mịt mù. Tại đây có 2 trạm trộn bê tông không phép của Công ty Việt Đức và Công ty 136. Trong quá trình hoạt động, hai trạm trộn trên xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đáng nói, đây là khu đất thuộc dự án 4,6 ha đất dịch vụ trả cho người dân bị thu hồi đất từ năm 2008.

Đại diện UBND xã Vân Canh cho biết, tất cả các trạm trộn bê tông ở khu đất giáp Khu công nghiệp cầu Nổi đều hoạt động không phép từ năm 2017, 2018. "Ban đầu có 5 công ty hoạt động, tuy nhiên, sau đó chính quyền xử lý quyết liệt thì 3 công ty đã di dời, hiện nay chỉ còn 2 trạm trộn đang hoạt động", đại diện xã thông tin.

Hà Nội: Loạt trạm trộn bê tông trái phép 'án ngữ' đất dịch vụ ảnh 1

2 trạm trộn bê tông trên đất dịch vụ tại xã Vân Canh

Tại xã An Thượng, nhiều người dân đã có đơn tố cáo lãnh đạo UBND xã An Thượng liên quan đến khu đất dịch vụ 12,5 ha. Theo đó, khu đất dịch vụ 12,5 ha đã được UBND xã An Thượng quyết toán nghiệm thu giai đoạn 1, giai đoạn 2. Sau đó, vào cuối tháng 12/2021 đã bàn giao toàn bộ giai đoạn 1. Quý 2/2022 tiếp tục bàn giao hơn 100 ô đất của giai đoạn 2 cho người dân nhưng chính quyền xã An Thượng đã không thực hiện thi công các hạng mục xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy định của nhà nước.

Bàn giao đất sạch cho người dân trong năm 2024

Ông Nguyễn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, đối với đất dịch vụ, thực hiện Nghị định 17 của Chính phủ, huyện đã thực hiện áp dụng thu hồi đất với diện tích 1.398 ha trên địa bàn 12 xã, thị trấn.

Sau khi rà soát, có 10.997 hộ đủ điều kiện giao đất dịch vụ, UBND huyện đã giao đất cho 9.342 hộ dân thuộc 5 xã. Đối với đất dịch vụ tại xã Vân Canh, ông Nguyễn Anh cho biết, có 2.016 hộ dân đủ điều kiện, đến nay UBND huyện đã giao 1.681 hộ dân, còn lại 335 hộ dân do ban đầu thẩm định quỹ đất chưa đầy đủ để xây dựng hạ tầng đối với dự án 1,1ha, còn dự án 4,6ha đến nay đã tiến hành GPMB đối với các hộ có đất ở đây. Hiện còn 3 hộ với diện tích hơn 2.000m2, đang thực hiện các biện pháp hành chính theo quy định.

Hà Nội: Loạt trạm trộn bê tông trái phép 'án ngữ' đất dịch vụ ảnh 2

Lãnh đạo huyện Hoài Đức cho biết, hiện chính quyền đã đình chỉ 1 trạm và yêu cầu di dời trong tháng 1/2024, 1 trạm nữa đã cam kết, yêu cầu di dời trong tháng 3/2024

Đối với 2 trạm trộn bê tông trên diện tích đất dịch vụ, ông Nguyễn Anh cho biết, đây là trạm được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cho phép triển khai để thực hiện một số dự án trọng điểm của thành phố. Khu đất đã được thu hồi để thực hiện giao đất cho 335 hộ dân của xã Vân Canh. "Chúng tôi đã đình chỉ 1 trạm và yêu cầu di dời trong tháng 1/2024, 1 trạm nữa đã cam kết, yêu cầu di dời trong tháng 3/2024. Dự án này UBND huyện đã hoàn thành thủ tục liên quan đến lựa chọn nhà thầu. Dự án đã được khởi công xây dựng hạ tầng vào tháng 12/2023. Dự kiến đến hết tháng 4/2024 hạ tầng hoàn thành giao nốt cho 335 hộ dân còn lại.", lãnh đạo huyện chia sẻ. Ngoài ra, lãnh đạo huyện Hoài Đức cam kết hoàn thành giao đất dịch vụ trong năm 2024.

Đối với nội dung tố cáo tại dự án 12,5 ha đất dịch vụ tại xã An Thượng, Công an huyện Hoài Đức đã có thông báo tiếp nhận tin báo về tội phạm liên quan đến dấu hiệu "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

MỚI - NÓNG