Hà Nội: Loa phường 'hồi sinh' nhờ chiến dịch đòi lại vỉa hè

Loa phường Hà Nội bỗng hồi sinh trong cuộc chiến giành lại vỉa hè
Loa phường Hà Nội bỗng hồi sinh trong cuộc chiến giành lại vỉa hè
TPO - Từ ngày 10/3, các loa phường ở Hà Nội được yêu cầu phát 3 lần/ngày để tuyên truyền việc lập lại trật tự văn minh đô thị, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Nhiều người dân Thủ đô khá bất ngờ, bởi loa phường đang bị nghi ngờ về sự tồn tại, bỗng nhiên hoạt động mạnh hơn trước.

Từ ngày Hà Nội bắt đầu ra quân chiến dịch lập lại trật tự kỷ cương đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhiều hộ dân thấy loa phường phát liên tục 3 lần/ngày về các nội dung liên quan các hành vi cấm lấn chiếm vỉa hè, ứng xử văn minh nơi công cộng, cấm xả rác, thông báo các mức xử phạt của đoàn công tác liên ngành…

Thấy loa phường hoạt động, nhiều người bất ngờ vì trước đó, Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về việc sẽ xóa bỏ hệ thống loa phường. “Tôi cứ nghĩ sẽ không thấy loa phường hoạt động nữa. Nay lại thấy ra rả suốt ngày. Không biết là có xóa bỏ thật không?”, ông Nguyễn Văn Toàn, nhà ở khu vực phố Nguyễn Du (Hoàn Kiếm) nói.

Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội, việc tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố phải được làm bài bản, kiên trì. Cách thức triển khai phải tuân thủ 3 bước, trong đó nhấn mạnh cần tập trung tuyên truyền, thuyết phục, vận động người dân đồng tình, ủng hộ; thông báo, nhắc nhở sai phạm…

Trong các biện pháp thực hiện, Ban chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội nhấn mạnh, trong công tác tuyên truyền cần phối hợp với các cơ quan thông tin báo chí, phát thanh truyền hình đồng thời kết hợp tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tại 55 nút giao thông trọng điểm cùng với việc sử dụng hệ thống loa phường và hệ thống loa di động để tuyên truyền việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự văn minh đô thị…

Ban chỉ đạo thành phố yêu cầu ban chỉ đạo 197 các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sử dụng hệ thống loa phường phát 3 lần một ngày kết hợp sử dụng hệ thống loa di động để tuyên truyền, nhằm nêu rõ chủ trương, kế hoạch, biện pháp thực hiện của chính quyền; yêu cầu các hộ kinh doanh vi phạm ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, thông báo thời gian kiểm tra, xử lý…

Liên quan đến hoạt động của loa phường hồi tháng 1/2017, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Sở TT&TT Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, loa phường ở thời kỳ bao cấp rất có tác dụng nhưng trong thời đại công nghệ như hiện nay, thành phố đã có nhiều phương thức phục vụ nhân dân. Loa phường hiện nay chỉ dành cho người già và trẻ em. 

“Loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do vậy cần đánh giá, rà soát, nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cùng các đơn vị liên quan lấy ý kiến nhân dân về vấn đề loa phường. Từ đó thấy nơi nào loa phường không còn tác dụng thì mạnh dạn đề xuất với thành phố cho dừng hoạt động. Nơi nào loa phường còn hiệu quả (phường, xã ngoại thành) thì để lại. Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thành công tác đánh giá hiệu quả loa truyền thanh phường trong Quý I năm 2017.

Theo kết quả khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, tính đến 14h ngày 25/2, trên 3.000 người tham gia khảo sát ở cổng giao tiếp thành phố Hà Nội. Theo thống kê, chỉ có hơn 4% người dân cập nhật thông tin qua loa phường; hơn 10% cho rằng thông tin từ loa phường là hữu ích và gần 4% ý kiến đồng tình với việc duy trì loa phường như hiện nay. Có đến gần 90% số người tham gia khảo sát cho hay thông tin từ loa phường không có ích và không nên duy trì loa phường như hiện nay.

Cũng có ý kiến cho rằng, nên giữ lại loa phường. Phát biểu tại cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải với Quận ủy Ba Đình sáng 14/2, Thiếu tướng Bạch Thành Định, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, không nên xóa bỏ loa phường. 

Theo ông Định, điều cần thiết là phải nâng cao chất lượng và cải tiến loa phường chứ không nên xóa bỏ. “Trong các phương án phòng thủ của chúng ta, thì trong trường hợp khẩn cấp, loa phường là nơi báo động, huy động người dân. Trong kế hoạch của chúng ta cũng đưa vấn đề đó”, ông Định nói thêm.

Theo ông Định, cái chính là quan tâm đến việc cải tiến, nâng cấp chứ không nên bỏ vì loa phường có lịch sử gắn liền với bảo vệ an ninh trật tự, gắn liền với xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa.

MỚI - NÓNG