Chi gần chục triệu để trẻ học bơi
Xác định bơi lội là một trong những kỹ năng quan trọng nên nhiều phụ huynh tìm lớp đăng ký cho con học.
Chị Trần Thu Nga có 2 con ở bậc tiểu học ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, một con đang học lớp 4 ở trường công lập, một con học lớp 2 trường tư thục nhưng cả hai trường đều không có bể bơi, chương trình không dạy môn bơi lội. Tuy vậy, chị đầu tư tiền cho con học bơi khá sớm. Đứa lớn nhà chị Nga được mẹ tìm lớp học bơi từ năm 4 tuổi, đứa bé học từ năm 6 tuổi với giá không hề rẻ.
Chị kể, cách đây 6 năm, chị đăng ký cho con học 1-1 với giáo viên dạy bơi ở một bể bơi nước ấm có giá 4,5 triệu/12 buổi. Năm ngoái, chị cũng đăng ký cho con 6 tuổi học một khóa bơi cơ bản nhưng phí đã tăng lên 6,5 triệu chỉ trong 10 buổi. Sau đó, không có điều kiện đi bơi thường xuyên, con lại quên dần kỹ năng nên dịp hè chị lại phải tìm bể và giáo viên dạy thêm ít buổi cơ bản, bơi nâng cao và kỹ năng ứng phó với các tình huống dưới nước.
Xác định bơi lội là một trong những kỹ năng quan trọng nên nhiều phụ huynh tìm lớp đăng ký cho con học tuy nhiên mức phí không hề rẻ. |
“Tính chi phí cho con biết bơi hoàn toàn lên đến cả chục triệu đồng là khoản không hề nhỏ nhưng đây là kỹ năng quan trọng cần phải đầu tư. Nếu trường học có bể bơi, được giáo viên thể dục dạy hằng tuần, hằng tháng kỹ năng của con sẽ tốt hơn và mức phí chắc chắn sẽ giảm hơn rất nhiều”, chị Nga nói.
Trường không có bể bơi đã đành, có trường học được đầu tư xây dựng bể bơi nhưng vẫn “đắp chiếu”.
Chị Nguyễn Ngọc Châu, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, trước khi con vào THCS, cả gia đình háo hức vì trường có bể bơi. Thế nhưng, khi bước vào năm học cả gia đình mới ngã ngữa vì bể bơi ở trường “đắp chiếu”, các tiết thể dục vẫn những bài thể dục tay chân quen thuộc. “Con biết bơi từ năm 8 tuổi nhưng lâu không được thực hành. Năm ngoái cả nhà đi du lịch, con không dám ra biển đã đành, cũng không tự tin bơi ở bể của khách sạn. Hè này, mình sẽ tìm lớp bổ túc thêm ít buổi để con bơi tốt hơn”, chị Châu nói.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người không có điều kiện cho con học bơi vì chi phí quá lớn. Chị Trần Thị Thủy, có 3 con đang học mẫu giáo và tiểu học tại quận Hoàng Mai nhẩm tính, nếu cho con đi học bơi chi phí có thể lên đến vài chục triệu đồng. Hè con nghỉ học, đứa nào cũng khao khát được đi nghịch nước nhưng giá vé vào cửa cũng đều cao. Năm ngoái chị tham khảo mua vé tháng cho con bơi cũng trên dưới 2 triệu đồng/trẻ nên lưỡng lự cân nhắc rồi đành phải dừng lại.
“Thu nhập của hai vợ chồng bấp bênh, dù biết học bơi rất quan trọng nhưng chưa phải là khoản ưu tiên hàng đầu. Nhà có 3 đứa con, không thể cho đứa này đi học, đứa khác ở nhà chờ”, chị Trần Thị Thủy, quận Hoàng Mai nói.
Trường tư thuê bể cho trẻ học bơi
Một số trường ngoài công lập có điều kiện cơ sở vật chất tốt đã đầu tư xây dựng bể bơi, đưa bộ môn bơi vào chương trình dạy học.
Chị Lê Nguyễn Ngọc Mai, có 2 con học trường tư thục tại quận Hai Bà Trưng cho biết, từ năm con học lớp 2, nhà trường bắt đầu dạy bơi với thời lượng 12 tiết học liên tục trong 6 tuần. Trường này có bể nơi nước ấm đảm bảo cho học sinh có thể học trong điều kiện thời tiết lạnh. Trước mỗi ngày có môn bơi, phụ huynh được giáo viên nhắc nhở chuẩn bị đồ chơi, kính mũ, khăn tắm. Ngày nào có giờ học bơi, con rất háo hức, chuẩn bị kỹ càng đồ đạc từ đêm hôm trước.
Thế nhưng, theo chị Mai, trước khi vào trường, gia đình đã cho con tham gia khóa học bơi 1-1 với giáo viên chuyên nghiệp. Con biết bơi cơ bản trước khi vào lớp 1 nên khi học môn bơi ở trường như một phương thức bổ túc thêm kỹ năng bơi, rèn luyện sức khỏe. “Đây là chương trình rất cần thiết, bổ ích vì trong đời sống có rất nhiều tình huống con có thể gặp phải. Nếu biết bơi và có kỹ năng ứng phó, con sẽ tự tin xử lý”, chị Mai nói.
Bà Đào Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng nói rằng, nhà trường đặt mục tiêu phổ cập bơi cho trẻ tốt nghiệp bậc tiểu học và quyết tâm làm được điều đó.
Trước đây, Trường Đoàn Thị Điểm xây dựng bể bơi trong nhà trường nhưng số lượng học sinh lớn, không thể đáp ứng. Cách làm của trường sau đó là đi ký hợp đồng với các bể bơi lớn, xây dựng kế hoạch dạy bơi cho học sinh khối 5 hoàn toàn không thu phí. Giáo viên dạy bơi cũng chính là đội ngũ huấn luyện viên của bể bơi.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, nhà trường huy động giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thể dục cùng đi theo làm nhiệm vụ đôn đốc, hỗ trợ học sinh và giám sát.
“Kết thúc lớp 5, mỗi học sinh phải đạt mục tiêu bơi được 50 mét. Nhà trường tổ chức đợt khảo sát để đánh giá môn học. Ngoài học tập, trẻ cần được trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản nhưng cũng không kém phần quan trọng trong cuộc sống”, bà Thủy nói.
Tuy vậy, hiện nay không phải trường tư thục nào cũng có bể bơi. Hay có bể bơi nhưng hoạt động không đảm bảo an toàn khiến phụ huynh lo lắng. Năm ngoái, một học sinh lớp 9 Trường phổ thông quốc tế Việt Nam ở quận Hà Đông gặp nạn tử vong ngay trong giờ học bơi, trong khi giáo viên thể dục mãi xem điện thoại không phát hiện được sự cố là sự việc quá đau xót đối với gia đình và là bài học lớn cho công tác tổ chức, quản lý cho nhà trường.
Theo Bộ GD&ĐT, năm 2023, cả nước có khoảng 2.200 trường học có bể bơi trong trường học. Tỉ lệ học sinh từ tiểu học đến THPT biết bơi mới chỉ đạt mức gần 34%, học sinh chưa biết bơi chiếm phần nhiều (khoảng 66%). Bộ GD&ĐT chuẩn bị các tài liệu, tập huấn, ban hành các quy định, tích cực triển khai các kế hoạch phòng chống đuối nước cho trẻ em.