Hà Nội dự báo số ca mắc COVID-19 có thể lên tới 5.000-7.000 ca/ngày

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thành phố Hà Nội dự báo số ca mắc COVID-19 có thể lên tới 5.000- 7.000 ca/ngày. Có thể chủng Omicron sẽ lan ra cộng đồng với tốc độ rất nhanh. Sở Y tế phải xây dựng kịch bản mới, dựa trên tỷ lệ chuyển tầng điều trị, tử vong, không để quá tải ở tầng điều trị 2, 3.

Đang giải trình tự gen một số trường hợp mắc COVID-19

Chiều 29/12, Hà Nội tổ chức phiên giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19. Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trong đợt dịch thứ 4 kể từ ngày 27/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 42.888 ca mắc, trong đó có 15.070 ca ngoài cộng đồng. Hiện nay, thành phố có 76 điểm phong tỏa với 3.100 người.

Ngày 28/12, Bộ Y tế thông tin về trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron tại Việt Nam là người nhập cảnh, bệnh nhân từ Anh quốc về Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài ngày 19/12.

Đáng chú ý, thành phố đã lấy 28 mẫu xét nghiệm các trường hợp dương tính và có yếu tố dịch tễ nghi ngờ chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư để giải trình tự gen xác định chủng virus (sàng lọc nghi ngờ chủng Omicron). Việc giải trình tự gen vẫn đang trong quá trình thực hiện và đang chờ kết quả.

Phó Giám đốc Sở Y tế cũng thông tin, tính đến hết ngày 28/12, Hà Nội đã tiêm được 11.767.691 mũi vắc xin phòng COVID-19 cho nhân dân.

Đến nay thành phố có tổng số 54.045 trường hợp F1 phải cách ly, trong đó đang cách ly tại nhà 22.802 trường hợp F1. Từ 27/4 đến nay, thành phố tiếp nhận quản lý, điều trị tổng số 42.888 bệnh nhân, hiện đang điều trị 20.211 người.

Ông Cương cho biết, trong tuần vừa qua, trung bình mỗi ngày, Hà Nội ghi nhận 1.747 ca/ngày. Số mắc tăng nhiều so với tuần trước. Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng nhanh, có thể vượt ngưỡng 2.000 ca mắc/ngày trong tuần tiếp theo.

Ông Cương khẳng định, công tác phòng, chống và kiểm soát COVID-19 vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát. Tuy nhiên, hệ thống y tế các tuyến đang chịu nhiều áp lực về quản lý, thu dung, điều trị, trong thời gian tiếp theo khi số mắc tiếp tục gia tăng là gánh nặng lên hệ thống…

Không liên hoan, gặp mặt cuối năm

Kết luận phiên họp, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, dự báo trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi Việt Nam đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron.

Ông Phong lưu ý, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đặc biệt là có khoảng 140 nghìn người Việt Nam nước ngoài đăng ký trở về nước ăn Tết, sẽ dẫn đến những nguy cơ không nhỏ.

Ông Phong lưu ý các địa phương cần đặc biệt quan tâm hơn việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ cao. Sở Y tế khẩn trương có hướng dẫn thực hiện việc tiêm vắc xin tại nhà.

“Trừ các trường hợp theo chỉ định y tế không thể tiêm vắc xin được, với các trường hợp khác, Bí thư, Chủ tịch phải đến tận nhà vận động, tuyên truyền, để tiêm vắc xin bằng được. Tiêm thêm được 1 người là giảm đi 1 người phải chuyển tầng 3 điều trị, giảm đi một nguy cơ tử vong. Đây là chuyển biến về nhận thức phải xác định rõ là hạn chế chuyển tầng, tử vong, quản trị rủi ro”, ông Phong nói.

Phó Bí thư Thành ủy cũng lưu ý việc triển khai ứng dụng phần mềm quản lý F0 rất tiện lợi, nhưng vẫn có địa phương lãnh đạo chưa cập nhật đầy đủ và đề nghị, từ Phó Chủ tịch trở lên ở các quận huyện phải nắm rõ, cập nhật liên tục việc sử dụng phần mềm này.

Trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy nêu rõ, việc dự báo tình hình phải thống nhất. Số ca mắc COVID-19 có thể lên tới 5.000- 7.000 ca/ngày. Có thể chủng Omicron sẽ lan ra cộng đồng với tốc độ rất nhanh. Sở Y tế phải xây dựng kịch bản mới, dựa trên tỷ lệ chuyển tầng điều trị, tử vong, không để quá tải ở tầng điều trị 2, 3. Các quận huyện thị xã cũng cần có kịch bản mới phù hợp với tình hình hiện tại.

Phó Bí thư Hà Nội yêu cầu chuyển hướng điều trị F0 về xã phường và điều trị tại nhà, các quận huyện hạn chế việc tiếp tục mở các khu thu dung điều trị tập trung; tận dụng các trường mầm non ở các xã phường để thực hiện việc này.

Các quận huyện, thị xã có đông lao động ngoại tỉnh, công trường lớn, cần quản lý chặt di biến động dân cư để rà soát tiêm vắc xin cho người chưa được tiêm trên nguyên tắc “không phân biệt người ở đâu, có trên địa bàn phải được tiêm vắc xin ngay”.

Phó Bí thư Thành ủy nhắc lại chỉ đạo mới của Bí thư Thành ủy về yêu cầu tất cả cơ quan đơn vị thuộc thành phố không tổ chức liên hoan, gặp mặt cuối năm; cán bộ đảng viên, công chức phải gương mẫu thực hiện và cho biết, UBND thành phố sẽ có văn bản hạn chế một số hoạt động phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh từ nay đến Tết Nguyên đán.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.