Theo ông Thịnh, với hoàn lưu bão số 5 và siêu bão Mangkhut dự đoán đổ bộ vào các tỉnh Bắc Bộ, chiều 14/9, sau khi họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thành phố sẽ có công điện gửi các sở, ban, ngành, các địa phương chuẩn bị ứng phó.
Với nguy cơ mưa lớn gây ngập lụt ở nội thành, nguy hiểm cho người dân, ông Thịnh cho biết, hiện thành phố đã giao các Sở, ngành, các đơn vị như Cty Cây xanh, thoát nước, môi trường đô thị chuẩn bị.
Các huyện ngoại thành, đặc biệt vùng tả Bùi, hữu Bùi, tả Tích, các vùng trũng thấp như Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức... cũng tích cực triển khai các biện pháp sẵn sàng chống úng ngập.
“Hiện nay, ở các huyện ngoại thành lúa đang sắp thu hoạch, có thể bị ngập, đổ. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo nếu chỗ nào có thể thu hoạch được thì thu hoạch ngay”, ông Thịnh nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 14/9, đại diện lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, để chủ động ứng phó với hoàn lưu bão số 5 và siêu bão Mangkhut, Cty yêu cầu các Xí nghiệp, các đội duy trì thoát nước kiểm tra các vị trí úng ngập, phải có giải pháp xử lý ngay nếu tồn tại các bất cập, rà soát các công trình đang thi công trên địa bàn quản lý, chủ động phối hợp với chủ đầu tư phá dỡ, thanh thải đảm bảo dòng chảy. Thu dọn các tấm chắn, vật cản ở các miệng thu, cửa xả, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị.
Cty yêu cầu, trạm bơm Yên Sở phải thường xuyên theo dõi mực nước trên sông Hồng, sông Nhuệ để chủ động vận hành trạm bơm, đảm bảo an toàn cho thiết bị. Đội quản lý duy trì hồ phải điều tiết, giữ mực nước các hồ theo đúng quy định, quản lý vận hành cửa phai, trạm bơm theo đúng quy trình. Xí nghiệp thi công cơ giới xây lắp phải đảm bảo đầy đủ các phương tiện máy móc thiết bị trong tình trạng sẵn sàng hoạt động khi có yêu cầu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Giám đốc Cty Cây xanh Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, Cty đã cắt tỉa dự phòng hơn 35 nghìn cây, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Trước cơn bão số 5 và siêu bão Mangkhut, Cty yêu cầu các đơn vị phải đi kiểm tra, rà soát cọc chống các cây mới trồng, đảm bảo an toàn. Với các cây bị nghiêng, mất an toàn theo thông báo của người dân, Cty cũng đã xử lý.
“Khi có bão lũ, chúng tôi ứng trực kể cả cuối tuần với 100% quân số, 24/24”, ông Mạnh nói.
Tổng Cty Điện lực Hà Nội cũng đã chủ động nhiều phương án để đảm bảo an toàn cho người dân và hệ thống điện ở mức cao nhất. EVN HANOI đã tiến hành kiểm tra hành lang lưới điện cao áp, rà soát toàn bộ các khu vực vùng trũng thấp có nguy cơ ngập úng khi mưa to để cải tạo nâng cao thiết bị điện, tiến hành duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời những hư hỏng; kiểm tra hệ thống nối đất, chống sét để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mùa mưa lũ.
Đối với vị trí xung yếu như các cột ở ruộng, bờ ao, đất yếu, EVN HANOI chỉ đạo các đơn vị trực thuộc gia cố lại cho chắc chắn.
Đại diện EVN HANOI cho biết, đơn vị cũng phối hợp với ngành nông nghiệp, xây dựng, UBND các quận, huyện thị xã rà soát toàn bộ hệ thống điện cung cấp cho các trạm bơm tiêu úng, đặc biệt đối với các trạm lớn; xây dựng kế hoạch, phương án đáp ứng điện cho yêu cầu bơm tiêu khi úng ngập xảy ra; đồng thời có phương án tăng cường bố trị lực lượng ứng trực, chuẩn bị tốt hệ thống thông tin liên lạc, vật tư dự phòng. Phát huy phương châm "3 sẵn sàng" và "4 tại chỗ", sẵn sàng xử lý trong mọi tình huống có thể xảy ra.