Hà Nội 'đổ tiền' để văn hóa hái ra tiền

0:00 / 0:00
0:00
Quận Hoàn Kiếm thành công về khai thác thế mạnh văn hóa song hành với phát triển kinh tế Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG
Quận Hoàn Kiếm thành công về khai thác thế mạnh văn hóa song hành với phát triển kinh tế Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG
TP - Hà Nội có ưu thế về văn hóa, còn nhân lực vượt trội so với nhiều địa phương khác, thế nhưng nhiều đại biểu cho rằng thành phố cần quan tâm đặc biệt tới nguồn lực-nhân tố quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa.

Lần thứ ba liên tiếp trong một tháng, Thành ủy Hà Nội lấy ý kiến về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2045-Thực trạng và giải pháp” vào ngày 9/7. Ở tọa đàm lần này, nhiều đại biểu tập trung góp ý quanh nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa.

Nhận định Hà Nội có điều kiện tự nhiên thuận lợi, ưu thế về lịch sử, văn hóa và con người so với các địa phương khác, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng thành phố cần quan tâm nhiều hơn tới nghệ thuật, đặc biệt giới nghệ nhân, nghệ sĩ; rằng mảnh đất nghìn năm văn hiến sản sinh nhiều danh nhân, nghệ sĩ lớn mà tác phẩm của họ không kém cạnh gì quốc tế. Như bức Chân dung cô Phượng của họa sĩ Mai Trung Thứ miêu tả một nữ quý tộc Hà Nội được đấu giá 3,1 triệu USD. Hà Nội coi hệ thống di sản vật thể, phi vật thể độc đáo, đa dạng, chính là nguồn lực, tiềm năng lớn lâu nay chưa được khai thác.

Hoàn Kiếm có thể được coi là vùng lõi của đô thị Hà Nội, trung tâm tiếp cận văn hóa nhiều địa phương, văn hóa quốc tế và cũng là nơi bảo tồn giá trị truyền thống, đưa văn hóa lên vị thế xứng đáng. “Quận Hoàn Kiếm quan tâm đầu tư văn hóa, những năm qua thu ngân sách của quận tăng trưởng không ngừng.

Nếu năm 2015 đạt khoảng 4.200 tỷ đồng thì 2020 tăng lên gần 2,5 lần, trong đó nguồn thu không nhỏ từ hoạt động văn hóa do tổ chức sự kiện văn hóa đem lại. Cụ thể năm 2014 Hoàn Kiếm có phố đi bộ, năm 2016 tổ chức không gian đi bộ Hoàn Kiếm, bên cạnh đó là hệ thống nhà hàng dịch vụ, khách sạn vừa ổn định nguồn thu cho quận, tạo điều kiện để gắn kết nghệ sĩ, nghệ nhân. Hoàn Kiếm cũng là một trong những nơi tiên phong và chú trọng phát triển không gian văn hóa, không gian cộng đồng hiệu quả”, ông Phạm Tuấn Long nói.

So sánh Hà Nội với TPHCM về phát triển văn hóa, nhiều đại biểu thẳng thắn thừa nhận Hà Nội còn chậm và chưa chuyên nghiệp, cũng chưa quan tâm hỗ trợ nghệ nhân, nghệ sĩ. Đồng tình với điều này, ông Lê Trung Kiên, Bí thư Huyện ủy Đông Anh cho rằng yếu tố quyết định thành công của công nghiệp văn hóa chính là con người. Vì thế giải pháp nguồn nhân lực cần đặt lên hàng đầu.

“5 năm qua đi rất nhanh, tôi sợ rằng nếu ta đặt ra quá nhiều thứ sẽ không xác định được tinh hoa và khó thực hiện. Điều quan trọng là cần cơ chế chính sách sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Công nghiệp văn hóa Hà Nội vẫn đang đi sau, chưa được đẩy lên thành thị trường, thiếu cơ chế chính sách thu hút đầu tư xã hội hóa cho văn hóa”, ông Kiên nêu.

Đại diện tiếng nói nghệ sĩ Thủ đô, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội nói, anh em nghệ sĩ chờ đợi từ lâu lắm rồi quyết tâm của lãnh đạo thành phố nhằm phát triển công nghiệp văn hóa. Trung Hiếu cho rằng, muốn phát triển công nghiệp văn hóa, lãnh đạo thành phố cần xác định cơ chế đặc thù, làm nổi bật văn hóa đặc trưng của Hà Nội.

“Thủ đô nghìn năm có biết bao chất liệu về lịch sử, con người để nghệ sĩ thỏa sức tung hoành sáng tạo”, NSND Trung Hiếu nói. Đại diện sở, ngành và quận, huyện của Thủ đô cũng góp phần làm rõ thế mạnh riêng của địa phương để lựa chọn lĩnh vực phù hợp trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa.

Lắng nghe ý kiến của các đại biểu, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì, phối hợp sở, ngành, địa phương hoàn thiện đề án phát triển công nghiệp văn hóa sát thực tế, khả thi và hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu: Văn hóa đóng góp khoảng 3,7% vào GDP của Hà Nội, cao hơn nhiều địa phương khác nhưng so với các thành phố tương đương trên thế giới thì thấp hơn rất nhiều. Công nghiệp văn hóa ở Anh chiếm 7% GDP, Hàn Quốc 10%. “Đây lại là ngành phát triển bền vững chứ không phải tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Phát triển công nghiệp văn hóa sẽ tạo động lực để phát triển một loạt các ngành kinh tế”, ông Phong nói. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, muốn rút ngắn khoảng cách với thế giới, Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa thì không thể không đầu tư. “Chúng ta có những địa phương mới có được một vườn hoa, một công viên, còn các hạ tầng thiết yếu để phục vụ cho văn hóa thì ngoài Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao của quận ra là không có gì, nhà hát không có, rạp chiếu phim không có, quảng trường không có, vậy thì làm thế nào để phát triển công nghiệp văn hóa”, ông Phong nói.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.