HĐND phường xã đang hoạt động ra sao?
Nhóm PV Tiền Phong về xã Vân Hà huyện Phúc Thọ vào đúng ngày khai mạc kỳ họp HĐND xã cuối năm 2018 với 23 đại biểu. Ông Nguyễn Quang Sáng, Chủ tịch HĐND xã Vân Hà tỏ ra khá suy tư khi trò chuyện với phóng viên về hoạt động của HĐND xã. Ông Sáng thừa nhận một thực tế lâu nay HĐND cấp xã khi quyết định những vấn đề về xây dựng dự án, ngân sách thì chủ yếu là “quyết lại” những dự án đã được UBND huyện phê duyệt theo thẩm quyền trong khi đây là một trong những chức năng quan trọng nhất của HĐND cấp xã. Việc triển khai dự án như trường học, trạm y tế, trụ sở HĐND-UBND xã, đường giao thông …hiện nay đều do Ban quản lý dự án vốn ngân sách của huyện triển khai và xã chỉ tiếp nhận công trình để đưa vào sử dụng.
HĐND xã Vân Hà có 23 đại biểu, trong đó có hai chức danh gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách được hưởng lương ngân sách theo hệ số như cán bộ công chức còn lại các đại biểu khác hưởng phụ cấp hệ số 0,3 theo lương cơ bản, khoảng hơn 400 nghìn đồng/người/tháng. Hoạt động của HĐND xã Vân Hà, ông Sáng cho biết đã có nhiều nỗ lực, đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, quy định về chức năng, thẩm quyền của HĐND xã thì lớn nhưng thực tế cũng chỉ thực hiện được một phần! Ông Doãn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho hay: Quy định về thẩm quyền của HĐND xã phường khá lớn. Tuy nhiên, thiếu cơ chế để thực hiện dẫn đến vai trò của HĐND xã còn nhiều hạn chế.
Đại diện bộ phận nghiên cứu xây dựng đề án cho biết: So với yêu cầu thực tế, nhiều hạn chế, tồn tại của bộ máy hành chính cần được khắc phục. Điển hình như thủ tục hành chính chưa tạo được sự bứt phá, cơ sở dữ liệu dùng chung chưa đồng bộ, chưa có sự liên thông giữa các cấp; một số thủ tục phải xin ý kiến nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là các thủ tục liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, xây dựng…; việc phân cấp quản lý của Trung ương cho thành phố, của thành phố cho các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn còn nhiều bất cập, chưa tạo được sự chủ động, sáng tạo cho chính quyền các cấp của thành phố trong thực thi nhiệm vụ. Cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền HĐND và UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chưa hợp lý, còn tồn tại nhiều tầng nấc trung gian, chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất các đơn vị hành chính nội bộ, chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. HĐND quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn về thực chất chưa quyết định được những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trên địa bàn mà chủ yếu do chính quyền thành phố quyết định. Cơ chế hoạt động tập thể UBND chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền nhà nước của MTTQ còn mang tính hình thức.
Cắt giảm hàng nghìn cán bộ
Nội dung chính của Đề án là Đổi mới cơ chế, chính sách phân cấp quản lý giữa Trung ương với chính quyền thành phố Hà Nội trên nhiều lĩnh vực như tài chính ngân sách, kế hoạch đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, đất đai, môi trường, công thương, tổ chức bộ máy và con người; hoàn thiện phân cấp giữa chính quyền thành phố với chính quyền cấp quận, huyện, thị xã để tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền thành phố, chính quyền cấp cơ sở.
Thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Hà Nội lựa chọn trong 2 phương án: Phương án 1 - Xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (Cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã); một cấp hành chính (tại xã, phường, thị trấn); Phương án 2 - Xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (Thành phố); 01 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 01 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn). Trong đó theo đánh giá của đại diện bộ phận xây dựng đề án, phương án 1 đang đạt được sự đồng thuận cao do vừa đảm bảo tính nhanh nhạy, thông suốt, gọn nhẹ; nâng cao được tính năng động, chủ động của địa phương; đảm bảo tính kế thừa, giữ được tương đối ổn định về mô hình tổ chức quận, huyện, thị xã; tạo sự đa dạng về tổ chức chính quyền địa phương.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ có trách nhiệm xây dựng đề án khẳng định: Trường hợp không tổ chức HĐND xã phường có thể giúp cắt giảm được hàng nghìn cán bộ. Hà Nội hiện có 584 phường xã, trung bình mỗi phường xã có 21-25 cán bộ (chưa kể đại biểu HĐND). Ngoài ra còn có khoảng 106 nghìn cán bộ không chuyên trách cấp xã phường, tổ dân phố, khu dân cư nên mỗi năm thành phố phải chi cả nghìn tỷ đồng tiền lương, phụ cấp. Điều quan trọng nữa là còn cắt giảm được khá nhiều thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Theo phương án không tổ chức HĐND phường xã, tại Hà Nội mô hình tổ chức Đảng, đoàn thể vẫn giữ nguyên như hiện nay. Tuy nhiên sẽ thực hiện hợp nhất một số chức danh kiêm nhiệm như Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Các đồng chí ủy viên BCH đảm nhiệm một số nhiệm vụ chuyên môn của Đảng ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội. Khi không tổ chức HĐND, UBND có nhiệm vụ thực thi các nghị quyết của HĐND, các quyết định, mệnh lệnh của UBND cấp trên và giải quyết các công việc của địa phương. Với hoạt động của Tổ dân phố, sẽ thực hiện nhất thể hóa một số chức danh đối với người lao động không chuyên trách ở các thôn, tổ dân phố như Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn; Phó bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận...
Hà Nội đã khảo sát tới cán bộ cơ sở cấp quận, huyện, thị xã; cấp xã, phường, thị trấn và xuống tới tận cán bộ các thôn, tổ dân phố về sự hợp lý của mô hình tổ chức của chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố. Kết quả: có 30,6% cho rằng hợp lý; 18,1% là tương đối hợp lý; 51,3% là chưa hợp lý, cần phải có sự sắp xếp, tổ chức lại.