Hà Nội đề xuất hạ đê sông Hồng: Lo xả lũ bất thường từ Trung Quốc

TP - Theo Bộ NN&PTNT, Hà Nội cần xây dựng lộ trình triển khai việc hạ cốt đê. Bởi nếu có mưa trái mùa khiến các hồ điều tiết tích đầy nước, cùng một tần suất, mực nước sẽ vượt so với mức thiết kế tại Hà Nội là 2,6 m. Lúc đó, hệ thống đê không đủ chiều cao chống lũ, do đó không thể chủ quan, lơ là.

Để triển khai dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên, mở rộng đường giao thông đoạn khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất Bộ NN&PTNT hạ độ cao một đoạn đê sông Hồng đến dương 12,4 m. Thành phố Hà Nội giải thích, việc hạ cao độ hạ đê đến dương 12,4 m rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra - vào đường Nghi Tàm. Đồng thời, phương án này sẽ tạo điều kiện mở rộng được mặt cắt ngang đường Nghi Tàm thêm một làn xe và bố trí tăng được bề rộng của cầu vượt trực thông.

Nhận được đề xuất trên, Bộ NN&PTNT đã có văn bản trả lời UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, Bộ NN&PTNT thống nhất với thành phố Hà Nội về đề xuất hạ cốt đê sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương khoảng 1.100m (1,1km). Thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu tường chắn bê tông cốt thép dạng chữ L, đảm bảo an toàn chống lũ, kết hợp giao thông, cải tạo cảnh quan đô thị. Mở rộng cửa khẩu An Dương từ 2 khoang lên 3 khoang và xây dựng mới 3 cửa khẩu để thay thế các dốc lên đê hiện có (tại các ngõ 108; 276 và 310 Nghi Tàm), kích thước 2x4m. Điều chỉnh phương án thiết kế cầu vượt tại nút giao thông đường An Dương- đường Thanh Niên với bề rộng mặt cầu từ 9m lên 10m, chiều dài cầu được điều chỉnh để nối tiếp phù hợp với mặt đường giao thông trên đê thiết kế.

Do đê sông Hồng đoạn khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho vùng trung tâm Thủ đô Hà Nội, Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan có phương án thiết kế đảm bảo cao trình mặt đê đất sau khi hạ thấp không được thấp hơn mực nước lũ thiết kế tương ứng tại vị trí công trình.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Hà Nội xây dựng phương án hộ đê, quản lý vận hành đảm bảo an toàn khi có lũ, đặc biệt là trường hợp tường chắn, cửa khẩu bị sự cố. Hà Nội cần tiếp tục tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của Hội Thủy lợi Việt Nam, ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Xuân Thành, Vụ trưởng Quản lý Đê điều, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, bộ phận tham mưu cho UBND TP Hà Nội viết chưa rõ nên gây băn khoăn trong dư luận. Bởi hệ thống đê nói trên rất quan trọng, đặc biệt trong điều kiện mưa lũ bất thường như hiện nay. Theo ông Thành, nếu có mưa trái mùa khiến các hồ điều tiết tích đầy nước, cùng một tần suất, mực nước sẽ vượt so với mức thiết kế tại Hà Nội là 2,6 m. Lúc đó, hệ thống đê không đủ chiều cao chống lũ, do đó không thể chủ quan, lơ là. “Bên cạnh đó, việc xả lũ từ Trung Quốc rất khó kiểm soát”, lãnh đạo Vụ Quản lý Đê điều nhận định.

Một lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thêm: Đoạn đê Nghi Tàm rất quan trọng trong hệ thống đê bao của Thủ đô. Do đó việc Hà Nội đề xuất hạ đê Nghi Tàm còn đang được Bộ NN&PTNT nghiên cứu. Tuy nhiên, Hà Nội chỉ có thể hạ đê Nghi Tàm bằng đường gom bên dưới khi xây tường đê chắn đảm bảo. “Tường chắn sẽ phải đảm bảo kết cấu, an toàn, khi hình thành sẽ tương tự như đoạn “con đường gốm sứ” đường Yên Phụ hiện nay”, vị này nói.

MỚI - NÓNG