UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi HĐND thành phố trước Kỳ họp thứ 12.
Liên quan đến vấn đề lát đá vỉa hè, cử tri quận Đống Đa, Thanh Xuân đặt vấn đề, những năm qua, thành phố đầu tư cải tạo vỉa hè bằng những vật liệu siêu bền nhưng qua một thời gian ngắn đã vỡ, hỏng. Từ đó, cử tri đề nghị UBND thành phố xem xét, đánh giá lại, có giải pháp nâng cao hiệu quả việc lát đá vỉa hè, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm (nếu có).
Về việc này, UBND thành phố Hà Nội cho biết, giai đoạn 2016 – 2017, việc triển khai cải tạo, chỉnh trang một số tuyến phố như phố Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), phố Trần Phú (Hà Đông), phố Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng)… có lát hè bằng đá tự nhiên còn nhiều nội dung tồn tại trong việc khảo sát thiết kế, thi công, quản lý, sử dụng sau đầu tư.
Nhiều đoạn, tuyến vỉa hè lát đá tự nhiên ở Hà Nội phải vá lại sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng. Ảnh: Trường Phong |
Việc này, UBND thành phố nêu, đã được Thanh tra thành phố chỉ ra tại Kết luận số 637 ngày 13/2/2018: chất lượng mặt hè và các lớp kết cấu chưa đảm bảo theo hồ sơ thiết kế; thiết kế vỉa hè các tuyến phố chưa có sự thống nhất; việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật, công tác hạ ngầm chưa đồng bộ, chưa đảm bảo về mỹ quan đô thị; công tác quản lý, sử dụng vỉa hè sau đầu tư tại một số tuyến phố còn chưa đúng mục đích, công tác bảo hành, bảo trì chưa được thường xuyên, kịp thời…
Thành phố Hà Nội cho biết, đến nay, về cơ bản, UBND các quận, huyện khắc phục được một số tồn tại, hạn chế trong việc cải tạo, chỉnh trang các tuyến phố có lát hè bằng đá tự nhiên trên địa bàn. Công tác khảo sát, thiết kế, công tác hạ ngầm, chất lượng thi công đã được nâng lên đáng kể…. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại.
Cụ thể, công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu vật liệu đá đầu vào tại một số tuyến phố chưa đảm bảo theo quy định.
“Đặc thù công tác thi công cải tạo, chỉnh trang phụ thuộc vào thực tế mặt bằng hiện trạng trên từng tuyến phố và thời gian thi công vào ban đêm. Công tác giám sát của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát chưa thường xuyên liên tục, chưa kịp thời giải quyết, xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công, đặc biệt trong công tác phối hợp xử lý thiết kế theo thực tế hiện trạng công trình (thi công tại các vị trí bó gốc cây, cột điện, tủ điện không đảm bảo kỹ, mỹ thuật)”, văn bản của thành phố nêu.
Cùng với đó, công tác quản lý, sử dụng, bảo trì hè sau đầu tư tại một số tuyến phố chưa đảm bảo. Việc tổ chức kiểm tra, rà soát, thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, bảo trì hè hư hỏng, xuống cấp tại một số tuyến chưa kịp thời để đảm bảo duy trì chất lượng sử dụng công trình và cảnh quan, mỹ quan đô thị; việc quản lý, sử dụng mặt hè không đúng công năng sử dụng, mục tiêu đầu tư và thiết kế phê duyệt gây hư hỏng, xuống cấp mặt hè. Nhiều nơi vỉa hè còn bị chiếm dụng để đỗ ô tô, xe cơ giới hoặc phục vụ các hoạt động kinh doanh của người dân.
Để tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục tồn tại trong công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư hè đường các tuyến phố trên địa bàn, UBND thành phố đã có văn bản số 4236 ngày 16/12/2022 về việc chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư hè đường các tuyến phố trên địa bàn thành phố. Hiện nay, Sở Xây dựng đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thành phố kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguyên nhân xảy ra tình trạng đá lát, bị bong bật, lún, nứt, vỡ; nghiên cứu các giải pháp cụ thể, thiết thực ,hiệu quả, tiết kiệm, bao gồm cả việc nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng.
Trên cơ sở các kết quả báo cáo, đánh giá của UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Xây dựng sẽ tổ chức tham vấn các đơn vị liên quan và chuyên gia đầu ngành để tham mưu, đề xuất UBND các giải pháp cụ thể, thiết thực xem xét chỉ đạo, nâng cao hiệu quả việc lát đá vỉa hè và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm (nếu có).
Mới đây, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đã có báo cáo gửi UBND thành phố, xác định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đá lát vỉa hè bị hư hỏng dù mới đưa vào sử dụng. Đáng chú ý, theo Sở Xây dựng, hồ sơ nhiều công trình chưa có thiết kế chi tiết giải pháp xử lý đối với các vị trí khớp nối hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm, tủ điện, chân cột đèn, gốc cây. Thuyết minh thiết kế trong hồ sơ chưa nêu rõ cơ sở, tiêu chí trong việc tính toán lựa chọn kích thước viên đá tuỳ theo đặc điểm, yêu cầu sử dụng của từng tuyến phố dẫn đến thực tế tại một số dự án tỷ lệ kích thước của viên đá lát (chiều dày so với kích thước dài, rộng) tại một số dự án chưa phù hợp.