Tình trạng giết mổ gia cầm thủ công, không được kiểm soát vẫn diễn ra nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội
Ngày 7/3, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban công tác phòng chống dịch bệnh ở người trên địa bàn. Theo đánh giá, dịch cúm A(H7N9) đang tăng nhanh tại Trung Quốc có khả năng xâm nhập vào nước ta.
Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài phòng chống dịch cúm A(H7N9), giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua sân bay Nội Bài. Trung bình, mỗi ngày tại Nội Bài có khoảng 50-60 chuyến bay quốc tế và khoảng 7.000-8.000 hành khách nhập cảnh, vì vậy Sở này đã triển khai 2 máy đo thân nhiệt phát hiện sớm hành khách có dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là hành khách đến từ vùng có dịch.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, vi rút cúm A(H7N9) không gây bệnh và không gây chết gia cầm, nên rất khó phát hiện gia cầm nhiễm vi rút. Trong khi các chốt kiểm dịch chủ yếu là kiểm soát bằng mắt thường nên không thể phát hiện ra gia cầm nhiễm bệnh: “Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng”, ông Hiền cho biết.
Ngoài việc bảo đảm đủ hoá chất, thuốc men, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác giám sát xử lý dịch và cấp cứu điều trị cho bệnh nhân, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết đã công bố hai số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm trên người. Cụ thể hai số gồm: 0949.396.115 và 0969.082.115. Theo đó, người dân khi phát hiện cơ sở kinh doanh gia cầm nhập lậu, không nguồn gốc, hay có những biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh cần gọi ngay đến số điện thoại đường dây nóng.
"Theo báo cáo từ đầu năm đến nay, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 366 trường hợp mắc sốt xuất huyết; 19 trường hợp tay chân miệng; 20 trường hợp sốt phát ban dạng sởi; 12 trường hợp ho gà; 3 trường hợp liên cầu lợn, chưa ghi nhận trường hợp tử vong do dịch bệnh"