Mong mở cửa chùa Hương
Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn đìu hiu từ nhiều tháng nay. “Chùa Hương chỉ mở cửa khoảng 50 ngày trong năm 2021, còn lại đóng cửa từ tháng 5/2021 tới bây giờ”, ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn nói. Khu di tích quốc gia đặc biệt này chỉ đón 45 vạn khách tham quan trong năm 2021. Con số quá nhỏ bé so với thời chưa có dịch COVID-19, bởi chỉ tính riêng ngày khai hội mùng 5 tháng Giêng, chùa Hương thường đón 4-5 vạn người về trẩy hội.
Mùa lễ hội cận kề nhưng các nhà tổ chức ở địa phương đều sẵn sàng tâm thế dừng lễ hội. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Trịnh Thị Thủy ký văn bản số 58 hôm 7/1 gửi các sở quản lý văn hóa, khuyến nghị các địa phương chủ động tạm dừng bắn pháo hoa, dừng tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Mở hội hay đóng cửa phụ thuộc vào quyết định của địa phương. lãnh đạo Bộ khuyến cáo, các địa phương tùy diễn biến dịch bệnh, điều phối hoạt động, không lơ là phòng, chống dịch đối với các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, du lịch.
Thời điểm chưa có dịch, lễ hội chùa Hương đón hàng vạn du khách mỗi năm |
“Không tổ chức lễ hội nhưng trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi có thể được phép đón khách. Lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức đã họp, soạn thảo kế hoạch trình UBND TP Hà Nội phương án đón khách tùy theo cấp độ dịch của địa phương”, ông Nguyễn Bá Hiển cho biết. Không chỉ chờ tới Tết Nguyên đán, thông thường người dân tới chùa Hương lễ đầu năm đều không thể thiếu thủ tục lễ tạ cuối năm, nhất là hai tuần cuối năm. “Người dân có nhu cầu lễ tạ tuy nhiên quy định vẫn ngặt nghèo, ngăn sông cấm đò nên họ chỉ có thể lễ tạ ở đền Trình chứ không thể vào Thiên Trù, động Hương Tích. Toàn bộ thuyền, đò chở khách trên suối Yến không được phép hoạt động. Ban Quản lý cũng không bán vé đón khách suốt từ tháng 5/2021”, ông Hiển nói.
Nhiều người dân xã Mỹ Đức đều ngóng chờ quyết định của lãnh đạo thành phố Hà Nội cho phép di tích này được mở cửa đón khách. Thuyền, đò đã gác bờ nhiều tháng nay, nhiều hộ gia đình trông vào mùa lễ hội đã thấm thía hai năm liên tiếp chịu đựng nguồn thu đứt gãy. Chùa Hương không chỉ là địa chỉ hành hương quy mô hàng đầu đất nước, đây còn là khu thắng cảnh thu hút du khách. Không gian núi non, sông suối thoáng đãng này vốn là một trong những loại hình du lịch được các chuyên gia khuyến cáo sớm mở cửa, thế nhưng tới thời điểm này vẫn “cửa đóng then cài”. Ban quản lý chùa Hương lên kế hoạch phân vùng, bố trí lực lượng y tế xét nghiệm nhanh COVID-19, có phương án di chuyển F0 tới nơi điều trị trong trường hợp phát hiện ca bệnh.
Hội Gióng duy trì nghi lễ
Hội Gióng đền Sóc, di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh diễn ra từ 6-8 tháng Giêng, năm nay cũng không thể tổ chức. Lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn có văn bản dừng tổ chức hoạt động lễ hội đầu xuân 2022 cho tới khi có thông báo mới. Sóc Sơn là địa phương có những ổ dịch phức tạp, khoảng hơn 400 khu vực thực hiện cách ly y tế phòng COVID-19.
Ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm quản lý Khu du lịch - di tích đền Sóc xác nhận, không tổ chức lễ hội với quy mô lớn như mọi năm, thay vào đó chỉ tổ chức nội bộ. “Dù không tổ chức lễ hội, chúng tôi vẫn mở cửa để dân làng dâng hương, dâng lễ vật và thực hiện nghi thức tế lễ với quy mô hạn chế tập trung đông người. Nghi thức dâng lễ vật của dân làng mang giá trị tâm linh, cầu mùa màng tươi tốt cần được duy trì”, ông Nho nói.
Sự hấp dẫn của Hội Gióng đền Sóc nằm ở các màn rước lễ vật, dâng hương và tranh lộc (cướp lộc). Có mùa lễ hội bị biến tướng gây phản cảm, nhưng dần dần được điều chỉnh văn minh hơn. Ông Nguyễn Nam Nho cho biết, người dân các thôn vẫn chuẩn bị lễ vật như hoa tre, voi, ngựa giấy, cỏ voi, trầu cau… dâng Thánh. Dân làng hộ tống đoàn rước lễ vật trước kia có thể lên tới 50 người, trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp giới hạn không quá 20 người, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc là một trong những điểm du lịch của Hà Nội, nhưng không tránh khỏi tình cảnh sụt giảm khách nghiêm trọng. Năm 2021 có 15 nghìn người tới đền Sóc, chỉ bằng 1/10 lượng khách của năm 2020, vốn cũng có nhiều tháng bị giãn cách xã hội, đóng cửa di tích.
Tạm dừng, thu gọn quy mô lễ hội
Nhiều địa phương của Hà Nội như Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh sớm có văn bản yêu cầu cơ quan, đơn vị tạm dừng tổ chức các lễ hội - thực hiện tinh thần Chỉ thị số 35 của Chính phủ, công văn số 58 của Bộ VHTTDL về “Tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm”. Đền Hai Bà Trưng (Mê Linh) vừa được công nhận là điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt, tuy nhiên lãnh đạo huyện Mê Linh quyết định dừng tất cả các lễ hội, trong đó có lễ hội Hai Bà Trưng.
Một số lễ hội lớn ở các tỉnh lân cận Hà Nội sẽ được thu gọn quy mô tổ chức như Hội Lim (Tiên Du, Bắc Ninh), hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), lễ hội Tịch Điền năm 2022-kỷ niệm 1.035 năm vua Lê Đại Hành về cày tịch điền trên cánh đồng dưới chân núi Đọi (Hà Nam).