Hà Nội có nên giãn cách theo khu vực?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một chuyên gia chống dịch COVID-19 tại Hà Nội cho rằng, hiện nay trên địa bàn thành phố đang có nơi phòng chống dịch tốt, nghiêm túc, nhưng cũng có nơi làm chưa thực sự quyết liệt, chưa chấp hành tốt quy định. Việc này gây nhiều lo ngại, dẫn tới việc có thể phải tiếp tục gia hạn thêm biện pháp cách ly xã hội.

Nhiều Giấy đi đường không đúng quy định

Ngày 28/8, tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch số 10+11 tại địa bàn huyện Sóc Sơn(Hà Nội), lực lượng chức năng kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 98A-201.76 do N.V.B (sinh năm 1990, ở xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, Bắc Giang) điều khiểnvà người ngồi ghế phụ là D.V.N (sinh năm 1994, ở xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang).

Mặc dù hai người này đều xuất trình đủ giấy tờ tùy thân, giấy đi đường do Cty TNHH dịch vụ bảo vệ an ninh 24 giờ cấp và giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2, nhưng Tổ công tác phát hiện B còn mang theo 18 giấy đi đường khác của Cty TNHH dịch vụ bảo vệ an ninh 24 giờ có ký tên, đóng dấu củaCty nhưng không có thông tin người được cấp giấy đi đường.

Tổ công tác đã lập biên bản, bàn giao người cùng số giấy đi đường trên đến Công an xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thống kê của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, tỷ lệ giấy đi đường do doanh nghiệp tư nhân cấp cao gấp 5 lần số giấy đi đường do cơ quan nhà nước cấp.

Cụ thể, qua tổng hợp, phân tích giấy đi đường của 5.529 trường hợp cho kết quả: Giấy đi đường do cơ quan nhà nước cấp là 804 trường hợp (chiếm 14,5%) và giấy đi đường do doanh nghiệp tư nhân cấp là 4.725 trường hợp (85,5%).

Mới đây, UBND phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) cũng phát hiện, xử phạt một người buôn bán cá sử dụng Giấy đi đường không đúng quy định. Cụ thể, người này mua cá tại chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai), Giấy đi đường do chủ hộ bán cá có ki-ốt tại chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai) cấp.

Qua trao đổi, người sử dụng Giấy đi đường này cho biết, ai mua cá của chủ hộ có ki-ốt sẽ được cấp cho Giấy đi đường có đóng dấu của Ban quản lý chợ cá Yên Sở.

Đáng chú ý, Giấy đi đường của người này còn ghi ngày tháng năm sinh là 1/1/2021, nghĩa là mới có… 8 tháng tuổi. Phường Tràng Tiền đã thu lại Giấy đi đường, xử phạt 2 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đang triển khai các lực lượng kiểm tra lưu động, phát hiện và xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm về giãn cách xã hội.

“Vừa qua đã có nhiều cá nhân, tổ chức bị xử phạt. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường, siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát để thực hiện đúng quy định của giãn cách xã hội”, vị này nói, đồng thời cho biết các lực lượng sẽ kiểm tra gần như 100% người đi vào địa bàn, triển khai kiểm tra các cơ sở trên địa bàn, kiểm đếm số người tại đơn vị thời điểm kiểm tra xem có khớp với số lượng người đã đăng ký hoạt động; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Liên quan đến việc này, UBND thành phố Hà Nội vừa giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát việc đi lại của người dân theo đúng quy định về giãn cách xã hội, kiểm soát chặt chẽ việc cấp và sử dụng Giấy đi đường. Trong đó nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố quy định rõ đối với từng loại hình trên nguyên tắc thực hiện theo đúng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo phương án trước ngày 30/8.

Nên giãn cách theo khu vực

Việc thực hiện giãn cách xã hội thời gian khá dài, nhưng vẫn xuất hiện các “ổ dịch”, ca bệnh ở cộng đồng xuất hiện thông tin trên mạng xã hội cho rằng, Hà Nội đang chống dịch chưa thực sự kiên quyết, triệt để.

Trao đổi về vấn đề này, một chuyên gia phòng, chống dịch của thành phố cho rằng, đây không hẳn là ý kiến đúng hết, nhưng cũng không thể bác bỏ hoàn toàn.

“Thực tế cũng có nơi, có chỗ thực hiện chưa tốt. Có chỗ làm rất chặt, rất tốt, nhưng có chỗ cả chính quyền, người dân còn lơi lỏng, chưa làm chặt”, vị này nói. Vì thế, các trường hợp F0 vẫn di chuyển, vẫn làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Theo vị này, mấu chốt là phải làm triệt để việc giãn cách xã hội, cách ly người với người, ai ở đâu yên đấy. Nếu không làm triệt để thì không thể chống dịch được.

“Như bây giờ nhiều người vẫn di chuyển. Rồi các xe ô tô luồng xanh, như các trường hợp lái xe ở chỗ Giáp Bát. Họ di chuyển về, nhưng vẫn đi lại, rồi uống nước ở quán ven đường. Hàng nước vẫn bán, người dân vẫn uống nước, bán nước như thế thì mới lây ra cả phố, rồi lại khai báo thiếu trung thực nữa”, vị này thông tin.

Vị này cũng nói thêm, việc cấp, sử dụng Giấy đi đường cũng còn nhiều bất cập. Cấp xong, người ra đường có tuân thủ quy định không hay có giấy rồi đi lại vô tư không ai kiểm soát, không ai biết. Các cơ quan, đơn vị, cả các doanh nghiệp cũng được cấp Giấy đi đường, nhưng việc hậu kiểm thế nào, nếu sai phạm xử phạt ra sao, có nghiêm và đủ sức răn đe hay không cũng rất khó.

Hai nữa là phát phiếu đi chợ nhưng có kiểm soát không, hay ngày nào cũng đi chợ được. “Có trường hợp dương tính rồi, qua rà soát thấy hai mẹ con ngày nào cũng đi chợ”, vị này chia sẻ.

Theo chuyên gia này, thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục phát hiện các ca dương tính SARS-CoV-2 trong cộng đồng qua xét nghiệm sàng lọc.

“Hiện vẫn tập trung xét nghiệm diện rộng nhưng có trọng tâm, trọng điểm, chưa tính tới khả năng xét nghiệm toàn bộ người dân. Việc thực hiện giãn cách nữa hay không cũng là bài toán phải cân nhắc. Việc này Thành uỷ, thành phố sẽ quyết định. Tuy nhiên, cũng có thể có những hình thức khác, như phân chia khu vực để thực hiện, tránh kéo dài thời gian giãn cách quá lâu”, vị này nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG