Theo Bí thư Hà Nội, sau khi hợp nhất với Hà Tây, số phó chủ tịch của Hà Nội nhiều là do khách quan, từng bước giảm dần. Hiện nay, số phó chủ tịch vẫn là 6 người, được bầu theo đúng nguyên tắc. Còn một người do Trung ương luân chuyển về, theo quy định không tính vào cơ cấu.
“Các tỉnh khác cũng như vậy, nếu được bầu 3, thêm một người luân chuyển là 4. Đây là các nhân sự mà Trung ương gửi về để bồi dưỡng, đào tạo. Trung ương đã chọn lựa nhân sự có chất lượng, chứ không phải ai cũng chọn, nên đây là yếu tố để đồng chí đó có thể trúng cử, hoàn thành tốt nhiệm vụ” – Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Chọn cột cờ trong cột cờ
Cùng ngày, các ông Đào Đức Toàn, Chánh văn phòng Thành ủy, Nguyễn Quang Huy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy được bầu làm ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, khóa XV(2010 - 2015).
Về phân công các phó chủ tịch, ông Phạm Quang Nghị cho biết: Công tác cán bộ phụ thuộc khả năng điều hòa, đôi khi ít người mà vẫn làm tốt công việc, còn lúc nhiều thì phải phân công để không ai có cảm tưởng mình là người thừa. Chúng tôi sẽ dựa vào năng lực, sở trường, sở đoản để phân công phù hợp.
“Lâu nay Hà Nội làm công tác cán bộ thường đạt kết quả tốt. Nguồn cán bộ rất đông, cái khó của Hà Nội không phải "trong bó đũa chọn cột cờ", mà chọn "cột cờ trong nhiều cột cờ".
Đồng chí nào cũng có khả năng hoàn thành nhiệm vụ, chứ không phải quân xanh quân đỏ. Trong bối cảnh như vậy, thành phố càng cần công khai dân chủ, minh bạch, người trúng thấy được động viên và người không được thấy cần cố gắng, phấn đấu” – Ông Nghị cho biết.
Cũng theo ông Nghị, từ năm 2010, công việc của thành phố rất lớn, luôn chịu sự giám sát của công luận. Mọi việc phải làm kỹ lưỡng, thận trọng, đòi hỏi tính chính xác cao mới tạo được đồng thuận. Công tác cán bộ nói chung là đúng đắn, đã chọn được những người tiêu biểu trên từng lĩnh vực, những người đã được chọn là xứng đáng, là nhân tố chuyển biến tích cực.
“Tôi hy vọng những nhân tố mới sẽ phát huy kết quả phấn đấu của bản thân mình để làm tốt nhiệm vụ” – Bí thư Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.