Bụi bẩn khắp nơi
Liên tiếp những ngày qua, Hà Nội nằm trong tốp đầu những thành phố có tình trạng ô nhiễm không khí ở mức cao nhất thế giới. Ngoài nguyên nhân do trạng thái thời tiết, một trong những nguyên nhân được nhiều chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra, là do lượng bụi bẩn phát sinh từ hoạt động của con người, trong đó có các công trình xây dựng.
Đơn cử, theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, công trường dự án mở rộng đường Tam Trinh (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội), nhiều tháng qua được thi công ồ ạt, phát sinh lượng bụi rất lớn.
Công trường thi công mở rộng đường Tam Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội) không có biện pháp che chắn, phát sinh nhiều bụi bẩn. Ảnh: Trường Phong. |
Từ thời điểm tháng 9/2024, sau khi đánh chuyển, chặt hạ một loạt cây xanh trên vỉa hè phần giáp sông Kim Ngưu, dự án chủ yếu tập trung phần nâng cấp, mở rộng tôn nền vỉa hè. Dù là tuyến giao thông huyết mạch, đông đúc của thành phố, công trường gần như không có phần ngăn cách với phần lòng đường. Những giờ cao điểm, đoạn đường thường xuyên bị ùn tắc.
Đáng kể hơn, do không được che chắn, xử lý bằng các biện pháp cần thiết, bụi bẩn phát sinh từ công trường này rất lớn. Cùng với đó, lượng rác thải tập kết ở quanh khu vực thi công dự án cũng phát sinh rất nhiều, thỉnh thoảng lại có vụ đốt rác, âm ỉ cháy cả đêm.
Bụi, đất chất đống ven đường Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Trường Phong. |
Cũng trên địa bàn quận Hoàng Mai, đoạn ngã ba phố Tân Mai giao với đường ven bờ sông Sét, một đoạn đường cũng đang bị đào xới. Vật liệu xây dựng, cát, bụi vương vãi khắp nơi, nhưng không hề được che chắn.
Cách đó vài trăm mét, tại ngã ba Kim Đồng - Giải Phóng, thời gian trước, phóng viên báo Tiền Phong chứng kiến cảnh tượng công nhân thi công không che chắn khiến bụi phát tán khắp nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người đi đường.
Đoạn Quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Thanh Trì đang thi công, phát sinh nhiều bụi đất do không được che chắn. Ảnh: Trường Phong. |
Tình trạng thi công không che chắn khiến phát sinh bụi bẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường không khí dường như trở thành “đặc sản” tại Thủ đô Hà Nội. Trên địa bàn huyện Thanh Trì, một đoạn dài Quốc lộ 1A bị đào xới, bùn đất vương vãi khắp nơi, nhưng không có biện pháp che chắn, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Tại phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), khu vực tiếp giáp với Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đang thực hiện dự án cải tạo vỉa hè, cát, đá, vật liệu xây dựng ngổn ngang. Nhiều phế phẩm vật liệu xây dựng chưa được dọn dẹp, lượng bụi bẩn, bùn đất phát sinh lớn, phủ lớp dày trên vỉa hè, lòng đường, nhưng không được dọn dẹp.
Bụi đất, phế thải vật liệu xây dựng vương vãi khắp nơi tại vỉa hè phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Trường Phong. |
Cây đổ do bão Yagi vẫn chưa khắc phục hết
Mới đây, thành phố Hà Nội phát động phong trào Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp nhằm tạo ra sự thay đổi toàn diện và sâu rộng, mang tính đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, từ kiểm soát rác thải, xử lý nước thải, đến cải thiện chất lượng không khí, hướng tới xây dựng một môi trường sống trong lành, bền vững, góp phần thay đổi diện mạo thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, có một hình ảnh “đáng buồn”, là đến nay, dù cơn bão Yagi đã trôi qua gần 5 tháng, nhưng những “dư âm” hậu quả của bão vẫn chưa được khắc phục triệt để, đặc biệt là những thiệt hại về cây xanh và bộ mặt đô thị.
Nhiều gốc cây bị bật sau bão Yagi trên đường ven bờ sông Sét chưa được thu dọn. Ảnh: Trường Phong. |
Trên tuyến đường ven bờ sông Sét (đoạn từ phố Tân Mai đến phố Tương Mai), nhiều cây phượng khá to bị bật gốc sau bão Yagi, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được dọn dẹp. Phần gốc cây để lại, dù trồi lên trên vỉa hè, đã mọc nhiều chồi xanh cao cả nửa mét. Thấy phóng viên chụp ảnh, một phụ nữ sống cạnh đó thắc mắc: Đến bao giờ trồng lại cây xanh nhỉ? Chúng tôi chờ rất lâu rồi mà không thấy có tín hiệu gì?
Tại ngã tư đường Giải phóng giao với đường Đại La, khu vực vườn hoa trong tình cảnh “như bãi rác”. Một số cây bàng đài loan gãy, đổ chưa được dọn dẹp. Nhiều cây xanh khác đã chết, héo quắt. Một nắp cống bị vỡ, được che chắn sơ sài vì sợ có người sơ ý rơi xuống.
Vườn hoa khu vực ngã ba phố Đại La và Giải Phóng xuống cấp nghiêm trọng chưa được khắc phục. Ảnh: Trường Phong. |
Trong vườn hoa, rác thải la liệt. Buổi chiều, vài người dân đi dạo quanh vườn hoa, thỉnh thoảng lại phải né tránh gốc cây đổ ngang đường, nắp cống vỡ… Dọc tuyến đường Đại La - Minh Khai, thảm cây bụi ở dải phân cách giữa hầu hết đã hư hỏng, trơ toàn đất, la liệt rác thải.
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, trên địa bàn thành phố, tình trạng đốt rác diễn ra nhiều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường không khí. Tại đường Phạm Tu, khu vực giáp với Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá nhiều năm nay trở thành bãi rác "khổng lồ". Thỉnh thoảng lại có vụ đốt rác, cháy âm ỉ nhiều ngày.
Ven bờ sông Tô Lịch, nhiều vụ đốt rác cũng xảy ra, dù mới đây, quận Đống Đa đã phát động, tổ chức ra quân tổng kiểm tra, tuyên truyền, xử lý vi phạm trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường toàn tuyến đường Láng thuộc 4 phường (Láng Thượng, Láng Hạ, Thịnh Quang và Ngã Tư Sở).
Một số vụ đốt rác thải ven sông Tô Lịch (quận Đống Đa) và đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai). Ảnh: Trường Phong. |
Xanh - Sạch - Đẹp được không?
Mới đây, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội nhận định, trên địa bàn thành phố hiện còn tình trạng đốt rác tự phát và xả thải không đúng quy định. Đáng chú ý, theo nhìn nhận, một số cấp ủy, chính quyền quận, huyện chưa chủ động tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn; chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc duy trì vệ sinh môi trường, chưa ngăn chặn và xử lý vi phạm dẫn tới còn hiện tượng đốt rác, xả thải, đổ thải không đúng quy định.
Rác thải tập kết nhiều năm ven đường Phạm Tu (Hà Nội). Ảnh: Trọng Tài. |
Thành phố cũng cho rằng, ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao, vẫn còn tình trạng đổ rác thải không đúng quy định, đổ trộm phế thải xây dựng bừa bãi tại vỉa hè, đường phố, đặc biệt tại các vị trí vắng, tuyến đường đê liên thông các quận, huyện và khu vực các bờ sông…
Trong số các giải pháp đặt ra, thành phố nhấn mạnh sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về khí thải; bảo vệ môi trường không khí tại các công trường xây dựng, cơ sở công nghiệp, năng lượng, y tế và giao thông vận tải. Tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến giao thông chính của các khu vực nội thị, khu vực đông dân cư để hạn chế bụi phát tán, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hanh khô, lặng gió.
Nhiều đoạn tuyến vỉa hè trên địa bàn thành phố Hà Nội hư hỏng do cây bị gãy, đổ sau bão Yagi đến nay vẫn chưa được sửa chữa. Ảnh: Trường Phong. |
Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu 75% - 85% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình (theo số liệu các trạm quan trắc chuẩn của quốc gia và thành phố); kiểm soát nồng độ bụi PM2.5 theo chỉ số nhất định ở khu vực nội đô và ngoại thành. 100% các công trường xây dựng thực hiện các biện pháp giảm bụi. 100% khí thải từ các nhà máy công nghiệp được xử lý đạt QCVN; 100% các hộ gia đình không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp; 100% không đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp; giảm việc đốt vàng mã.