Hà Nội: Cát tặc lộng hành, có tình trạng bảo kê?

TPO - Chất vấn về khai thác cát sỏi tại Hà Nội làm nóng phiên họp sáng nay. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung đặt câu hỏi, trên địa bàn xã Xuân Thu (Sóc Sơn) có tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Trách nhiệm của lực lượng chức năng thế nào? Có tình trạng bảo kê hay không?

Sáng 8/12, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên chất vấn về vấn đề quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn. Đại biểu Nguyễn Minh Đức đặt câu hỏi cho công an thành phố Hà Nội về việc tồn tại 13 điểm khai thác trái phép trên địa bàn thành phố.

 Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung đặt câu hỏi, trên địa bàn xã Xuân Thu (Sóc Sơn) có tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Trách nhiệm của lực lượng chức năng thế nào? Có tình trạng bảo kê hay không?

Trong khi đó, đại biểu Dương Thị Hằng đặt câu hỏi cho lãnh đạo xã Xuân Đình (Phúc Thọ) về việc có tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Lãnh đạo xã, huyện đã xử lý như thế nào? Đại biểu Trần Thị Vân Hoa đặt câu hỏi với lãnh đạo huyện, công an huyện Đan Phượng về việc tồn tại việc khai thác cát sỏi trái phép tại 6 xã ven sông Hồng, có tình trạng lộng hành, coi thường pháp luật.

Hà Nội: Cát tặc lộng hành, có tình trạng bảo kê? ảnh 1

Chủ tịch UBND xã Xuân Đình (Phúc Thọ) trả lời chất vấn. Ảnh: HNM

Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Đình (Phúc Thọ) cho biết, thời gian qua cát tặc lộng hành trên địa bàn xã. Thời gian cao điểm nhất là 2018 – 2019. “Cát tặc ồ ạt, như một công trường, khai thác cả ngày cả đêm. Tàu hút, tàu cuốc rất nhiều”, vị này nói.

Chủ tịch UBND xã Xuân Đình cho biết, sau khi báo cáo lực lượng chức năng truy quét, xử lý, đến cuối năm 2019, tình trạng khai thác ồ ạt đã chấm dứt. Đến khoảng tháng 7/2020, cát tặc lại tiếp tục đến địa bàn xã khai thác, chủ yếu là từ đêm đến rạng sáng, quy mô nhỏ hơn, làm không thường xuyên.

 “Với cấp xã hiện nay không có phương tiện, không có lực lượng không làm gì được. Chúng khai thác ở giữa sông, mà ở giữa sông chỉ cơ quan chức năng chuyên môn mới xử lý được”, vị này nói, đồng thời đề xuất được cấp xuồng để đảm bảo chức năng quản lý ở địa phương.

 Vị này cũng cho biết, nhân dân trên địa bàn rất bức xúc, giai đoạn 2018 – 2019, Chủ tịch xã rất áp lực. Nhân dân mua trống, mua kèn, bật đèn để đuổi cát tặc. Không đuổi được thì mang vào nhà Chủ tịch xã gõ nên rất áp lực. “Vừa rồi chúng tôi cảm ơn công an thành phố, chứ nếu không thì không dập được tình trạng này. Sông Hồng chảy qua địa bàn xã rất đẹp, như con gái 18, nên cát tặc cứ nhòm ngó ngày đêm”, vị này nói thêm.

Hà Nội: Cát tặc lộng hành, có tình trạng bảo kê? ảnh 2

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn. Ảnh: HNM

Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn, đến nay, tình trạng khai thác trái phép cát sỏi vào ban ngày đã chấm dứt, nhưng vẫn lén lút hoạt động vào ban đêm. Không còn tình trạng hoạt động như công trường giai đoạn 2018 – 2019.

“Lực lượng, phương tiện còn nhiều khó khăn. Chúng hoạt động chủ yếu vào ban đêm, nhưng công an huyện chỉ có một xuồng, một đồng chí được cấp phép lái xuồng đó. Khi truy bắt, điều tra, mật phục rất nguy hiểm”, ông Tuấn nói.

 Cũng theo ông Tuấn, Phúc Thọ giáp ranh với Vĩnh Phúc, hiện địa giới hành chính trên sông chưa được xác định, nên vẫn có tình trạng tàu thuyền ban ngày đỗ ở bên Vĩnh Phúc, ban đêm sang Phúc Thọ để hút cát sỏi.

 Đại diện công an huyện Đan Phượng cho biết, từ 2018 đến nay, huyện bắt giữ 42 vụ, 42 đối tượng khai thác cát trái phép; khởi tố, truy tố 2 đối tượng. Vị này cho rằng, đến nay, chế tài xử lý các đối tượng này rất khó, vì phải chứng minh được việc thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng mới khởi tố được, nên còn ít tính răn đe.

 Đại diện công an huyện Đan Phượng cũng cho rằng, hiện nay phương tiện, lực lượng trang bị cho đơn vị chức năng để thực hiện việc xử lý các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép này còn chưa đảm bảo.

Hà Nội: Cát tặc lộng hành, có tình trạng bảo kê? ảnh 3

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng. Ảnh: HNM

Trong khi đó, lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng cho biết, việc xử lý các đối tượng khai thác trái phép cát sỏi lòng sông rất khó vì chủ yếu là phương tiện đi thuê, người làm thuê. Để truy tố được một vụ thì rất khó khăn.

“Trên địa bàn Đan Phượng có 15km sông Hồng chảy qua, giao thông đường thủy rất tấp nập, tàu thuyền dày đặc. Tàu chở cát chạy qua, nếu không có lực lượng chức năng lại thả vòi xuống lòng sông để hút cát ngay”, vị này nêu.

Theo đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, các đối tượng khai thác trái phép cát sỏi lòng sông thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, hay lợi dụng ngày nghỉ, đêm tối, rạng sáng để khai thác, thuê người cảnh giới lực lượng chức năng từ xa.

Ở các vùng giáp ranh, khi bị kiểm tra, các đối tượng thường nhổ neo sang địa bàn tỉnh, địa phương giáp ranh, nên khó xử lý theo thẩm quyền.

Ông Tùng kiến nghị cần xem xét, phê duyệt quy hoạch tổng thể các bến bãi, mỏ khai thác trên các tuyến sông để thuận tiện quản lý; lực lượng công an sẽ tăng cường kiểm tra, phối hợp với các lực lượng của các tỉnh giáp ranh.

“Công an sẽ nhận trách nhiệm bắt giữ các trường hợp khai thác trái phép. Còn bến bãi là thuộc trách nhiệm của Sở TN&MT và các địa phương. Đề nghị tăng cường xử lý phương tiện vi phạm liên quan vấn đề khai thác cát sỏi. Phối hợp, quy trách nhiệm từng đơn vị một, thì sẽ giải quyết dứt điểm được các tồn tại”, ông Tùng nói.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.