Dù thành phố Hà Nội đã triển khai Dự án thoát nước giai đoạn I, giai đoạn II với kin phí hàng nghìn tỷ đồng, nhưng thời gian qua, nhiều gia đình ở Thủ đô vẫn phải sống chung với thực trạng “lội nước trong nhà” sau những trận mưa lớn. Câu hỏi được đặt ra là vì sao Hà Nội vẫn “loay hoay”, chưa giải quyết được thực trạng úng ngập?
Búc xúc, là tâm trạng chung của rất nhiều hộ dân tại phố Nguyễn Chính, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội khi nói về tình trạng úng ngập trên địa bàn. Bởi, sau mỗi trận mưa, hầu hết nhà dân trên tuyến phố này đều bị nước tràn vào.
Ông Phạm Văn Đình, trú tại tổ 48 cho biết, hai trận mưa đầu hè năm nay (với lượng mưa chưa nhiều), nhưng tuyến đường Nguyễn Chính, có nơi đã ngập sâu nửa mét. Nước, rác thải tràn vào nhà, giao thông gần như tê liệt đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
“Ở đây mưa là ngập ngay, úng ngay. Đây là chỗ trũng nhất. Mưa to thì xe máy không đi được, ngập từ 0,8m đến 1m. Dân đã đề nghị rất nhiều lần rồi vì mương thấp quá, ngày xưa làm rồi nhưng cống thoát nhỏ quá. Đây là chỗ trũng của Tương Mai, Tân Mai ngày xưa, là chỗ thấp nhất của Tân Mai”, ông Đình cho biết.
Điều đáng chú ý, phố Nguyễn Chính là tuyến phố vừa được cống hóa một hai năm về trước và địa bàn phường Tân Mai cũng nằm trong phạm vi triển khai Dự án thoát nước giai đoạn II, với kinh phí trên 8000 tỷ đồng mà Hà Nội vừa hoàn tất.
Theo ông Nguyễn Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, phố Nguyễn Chính bị ngập sâu sau khi cống hóa là do cốt đường nhiều tuyến phố xung quanh cao hơn, khớp nối hạ tầng thoát nước trên địa bàn chưa đồng bộ.
“Khu vực Nguyễn Chính mặc dù UBND phường cũng đã tích cực nạo vét, tuy nhiên trong quá trình triển khai tuyến đường 2,5 và cống hóa tuyến mương theo cốt của thành phố thì dẫn đến một số khu vực cốt của phường thấp hơn. Để giải quyết triệt để thì cần có sự đồng bộ. Trong khi đó một số khu vực lại không kịp đồng bộ theo dẫn đến úng ngập”, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Mai phân bua.
Nguyễn Chính chỉ là một trong rất nhiều tuyến phố, địa bàn luôn úng ngập khi xảy ra mưa lớn. Thống kê cho thấy hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn 15 điểm úng ngập như: Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, phố Cao Bá Quát, Đội Cấn, Minh Khai, đường Giải Phóng (đoạn trước cửa Bến xe phía Nam), phố Nguyễn Chính, phố Thanh Đàm (quận Hoàng Mai), phố Nguyễn Khuyến…Đây là các điểm úng ngập “cố hữu” mà nhiều năm qua Hà Nội vẫn chưa có cách nào để xử lý.
Không chỉ khu vực phố cũ Hà Nội bị ngập sâu trong nước sau mỗi trận mưa lớn, mà tại các khu đô thị mới, nhất là khu vực phía Tây, Tây Nam thành phố như Nam Từ Liêm, Hà Đông cũng đang gặp thách thức lớn.
Ý kiến của nhiều chuyên gia cũng như cơ quan quản lý cho rằng, việc triển khai dự án, xây dựng chung cư ồ ạt mà bỏ quên hạ tầng xã hội đi kèm là nguyên nhân chính làm gia tăng nguy cơ ngập úng.
Cốt nền tại nhiều khu vực xây dựng sau thường cao hơn nơi xây dựng trước, thậm chí nhiều tuyến đường mới, cốt nền cao hơn nhiều so với nhà dân, gây ngập úng cục bộ.
Trong khi đó, dự án thoát nước giai đoạn II mà Hà Nội vừa hoàn tất lại không “với” tới những khu vực này. Việc tiêu thoát nước địa bàn phía Tây, Tây Nam thành phố chủ yếu dựa vào hệ thống tưới tiêu nông nghiệp.
“Các dự án phát triển đô thị, nhà ở cũng rất nhanh chóng ở khu vực phái Tây, Tây Nam tạo nên áp lực cho hệ thống thoát nước hiện có và rất dễ xảy ra úng ngập khi có mưa to trên diện rộng. Khi xây dựng các tòa chung cư, các chủ đầu tư cũng đã xây dựng hệ thống thoát nước nội khu, tuy nhiên khả năng khớp nối chưa được hoàn thiện”, ông Bùi Ngọc Uyên, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên thoát nước Hà Nội nói.
Với 15 điểm úng ngập cục bộ cố hữu, trong khi tại các khu đô thị mới lại thiếu kết nối hạ tầng thoát nước, rõ ràng việc xử lý úng ngập vẫn là thách thức lớn đối với Hà Nội trong mùa mưa bão năm 2018./.