Nham nhở, nơi cỏ mọc um tùm với đủ các loại rác rưởi, nơi trở thành bãi trông giữ ô tô… là thực trạng sau 14 năm triển khai tại Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Năm 2004, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định thu hồi trên 35ha đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, quận Hoàng Mai giao Tổng công ty xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) tổ chức điều tra lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng chuẩn bị triển khai Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt.
Tuy nhiên, đến nay, Dự án vẫn đang dậm chân tại chỗ, kỳ vọng về một khu đô thị mới, hiện đại phía Nam thành phố Hà Nội vẫn chỉ tồn tại trên bãn vẽ.
Ông Hồ Văn Điệp, người dân phường Thịnh Liệt cho biết, việc Dự án chậm triển khai, nhiều phần diện tích bị “biến tướng”, tập kết chất thải… đã ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị cũng như môi trường sinh thái xung quanh.
“Với những khu đất đẹp, đất trống mà để hàng chục năm nay không xây dựng cũng không giải tỏa, mà chỉ quây tấm tôn bọc xung quanh gây nhếch nhác, ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan thành phố. Tôi mong rằng, những khu đất như thế này cần phải có giải pháp triệt để. Nếu đã có quy hoạch thì cần triển khai ngay. Trong trường hợp cần thiết có thể thu hồi để giao cho người khác”.
Khu đô thị mới Thịnh Liệt chỉ là một trong số hàng trăm dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội “rơi” vào tình trạng “đắp chiếu”. Một số quận, huyện có số dự án chậm nhiều là Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (50 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án)…
Với 48 dự án chậm triển khai trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt thừa nhận, đây là con số lớn. Việc theo dõi kiểm tra, phát hiện, xử lý những vi phạm, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ nặng nề.
Các Dự án chậm triển khai trên địa bàn quận Nam Từ Liêm có thể kể đến như, Dự án của Công ty Hà Đô (Bộ Quốc Phòng) tại phường Cầu Diễn, Dự án của Ban quản lý dự án Láng Hạ Thanh Xuân tại phường Mễ Trì cùng được giao đất từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn chỉ quây tôn, chưa triển khai xây dựng.
Ông Trần Đức Hoạt cho biết: “Hiện nay có 48 dự án chậm, trong đó có 17 dự án đang trong trạng thái giải phóng mặt bằng và 31 dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai. Đây là một con số rất lớn. Các dự án này cơ bản là do nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư. Tuy nhiên cũng cần phải kiểm tra, rà soát để xác định nguyên nhân cụ thể”.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nguyên nhân chính khiến cho các dự án sử dụng đất chậm được triển khai là do năng lực của nhà đầu tư còn yếu. Các dự án gặp khó khăn trong huy động, cũng có thể do cùng lúc đầu tư vào nhiều dự án khiến nhiều nhà đầu tư "hụt hơi" về tài chính. Cùng với đó là khâu giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, do việc điều chỉnh quy hoạch sau khi điều chỉnh địa giới hành chính (năm 2008), chính sách đất đai có những thay đổi.
Người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận, sự yếu kém trong quản lý, sự phối hợp không chặt chẽ giữa các sở, ngành, quận, huyện trong việc chậm triển khai các dự án.
Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng: “Những nhà đầu tư nào không đủ điều kiện thì sẽ thu hồi. Cùng với đó sẽ tiếp tục mời các nhà đầu tư lên để đối thoại làm rõ trên cơ sở những dự án còn vướng mắc. Những nguyên nhân, điều kiện nào mà có thể tháo gỡ được cho các nhà đầu tư thì sẽ tháo gỡ. Đồng thời, thẩm định lại, yêu cầu các nhà đầu tư cam kết, trong thời hạn cam kết mà không thực hiện được thì sẽ bị thu hồi”.
Hàng trăm dự án chậm triển khai, “đắp chiếu” trên địa bàn Hà Nội đang để lại những hệ lụy rất lớn về kinh tế, môi trường sinh thái, quản lý đô thị. Câu hỏi được đặt ra, là vì sao các dự án chậm triển khai, thậm chí có dấu hiệu vi phạm Luật đất đai vẫn chưa bị thu hồi, xử lý kiên quyết?.