Hà Nội 10 năm sáp nhập: Chuyển dịch kinh tế chưa như mong đợi

Hà Nội 10 năm sáp nhập: Chuyển dịch kinh tế chưa như mong đợi
TPO - Tại tọa đàm trực tuyến “Hà Nội: Nghị quyết 15 và chặng đường tiếp theo” ghi dấu kỷ niệm 10 năm Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính, nhiều chuyên gia đã có đánh giá trực diện, nhìn nhận những mặt được và chưa được của Hà Nội chặng đường 10 năm.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, những ngày đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, có rất nhiều băn khoăn, lo lắng đặt ra khi Đảng bộ, chính quyền Thủ đô Hà Nội đón nhận và giải quyết những nhiệm vụ trọng đại mà Đảng và Quốc hội giao cho. Trong đó, phải kể đến quy mô diện tích, dân số, đơn vị hành chính tăng nhiều; điều kiện địa lý, dân cư, thói quen khác nhau; tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo lớn, vùng núi còn khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa phát triển, khoảng cách giàu nghèo còn lớn; hầu hết các đơn vị hợp nhất về Hà Nội kinh tế - xã hội còn khó khăn…

Có thể nói khối lượng công việc phải thực hiện sau hợp nhất rất lớn. “Nhưng với tinh thần và trách nhiệm, ngay từ những ngày đầu triển khai Nghị quyết 15 của Quốc hội, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã xác định quyết tâm thực hiện Nghị quyết với phương châm “Đoàn kết - Hợp tác - Trách nhiệm” và tinh thần: Tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố nêu.

Hà Nội 10 năm sáp nhập: Chuyển dịch kinh tế chưa như mong đợi ảnh 1 Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

Nhiệm vụ đặt ra nhiều thách thức

Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên ghi nhận những thành công Hà Nội đã đạt được trong 10 năm, nhưng cũng thẳng thắn: Thành công chỉ mới bước đầu, công việc đặt ra cho Hà Nội còn rất nhiều. Những vấn đề mà Hà Nội còn tiếp tục giải quyết, những khó khăn đặt ra cho Hà Nội vừa có tính chung của cả nước là yêu cầu phát triển thì nhiều, vốn thì ít. Nhưng lại có đặc thù là Hà Nội theo Nghị quyết 15 vừa là một trung tâm chính trị nhưng đồng thời là một trung tâm kinh tế và là một trung tâm văn hóa. Như vậy, nhiệm vụ đặt ra cho Hà Nội là rất đa mục tiêu và để cùng lúc đạt được như thế, chúng ta thấy rằng nhiệm vụ đặt ra còn rất nhiều thách thức.

Ông Kiên cho rằng, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội chưa thực sự như mong muốn. Khi làm Nghị quyết 15, chúng tôi không mong Hà Nội sẽ dồn các nhà máy may, nhà máy nhuộm hay nhà máy lắp ráp điện tử vào Hà Nội mà chúng tôi kỳ vọng Hà Nội sẽ là một trung tâm khoa học công nghệ của cả nước. Từ đó đưa ra những doanh nghiệp khởi nghiệp trên khoa học công nghệ, với tri thức, với nguồn vốn của nhân dân Hà Nội thì Hà Nội phải trở thành trung tâm tài chính của khu vực chứ chưa nói đến cả nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các thành phần kinh tế khác phát triển.

Hà Nội 10 năm sáp nhập: Chuyển dịch kinh tế chưa như mong đợi ảnh 2 Tăng dân số cơ học là thách thức đặt ra với Thủ đô sau khi điều chỉnh địa giới.

Một trong những điểm chúng tôi đang đề nghị Hà Nội sơ kết 5 năm thực hiện Luật Thủ đô Hà Nội là về vấn đề tăng dân số cơ học. Chúng ta phải thấy rằng lực hút tự nhiên khi Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế của cả khu vực thì chắc chắn thu nhập bình quân của người lao động ở đây cao hơn thu nhập của những người có đất, có công cụ lao động ở những tỉnh lân cận. Vì thế, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải lường trước được sức hút rất mạnh mẽ đối với người dân về lĩnh vực kinh tế khi họ di dân tự do vào trong nội đô và giải pháp hành chính, giải pháp kinh tế chúng ta đặt ra để xử lý vấn đề đấy có xu thế chung như là vấn đề hộ khẩu. Ở những nước đang phát triển, hộ khẩu cũng là công cụ rất tốt trong việc quản lý, kìm hãm sự tăng dân số cơ học ở giai đoạn đầu phát triển công nghiệp hóa. “Chúng ta nhìn xem chính quyền Hà Nội đặt ra phương án xử lý như thế nào trong chiến lược phát triển của Hà Nội trong 30 năm, 50 năm tới thì chúng ta sẽ yên tâm”, ông Kiên nói.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, trong 10 năm qua, Hà Nội giải quyết được vấn đề nội tại của quá trình mở rộng là một thành công. Phân tích những mặt hạn chế của Hà Nội những năm sau mở rộng, ông Hiếu cho rằng cơ cấu sản lượng ngành nghề đóng góp cho thành phố gần như không thay đổi; chưa nhìn thấy tiềm năng của ngành nghề rất mới là nghiên cứu ứng dụng khoa học và các trung tâm sáng chế. Hành lang khu vực kinh tế vùng thủ đô đã hình thành, nhưng chưa phát huy được.

3 nhiệm vụ trọng tâm để tạo đột phá

Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hùng chỉ ra 3 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung tạo đột phá trong việc nâng cao chất lượng. Đó là công tác quản lý quy hoạch, trong đó quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển đô thị, phát triển không gian đạt chất lượng tốt nhất vì nó là xương sống để chúng ta triển khai tất cả các chương trình, các đề án tiếp theo. Thứ hai, trong vấn đề đầu tư phát triển cần phải lựa chọn đầu tư, phải đầu tư hiện đại hóa toàn bộ kết cấu hạ tầng đô thị để phục vụ cho việc phát triển kinh tế vừa đáp ứng được áp lực gia tăng dân số. Thứ ba, nâng cao chất lượng quản lý như quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai, quản lý an toàn giao thông, quản lý y tế, quản lý giáo dục,...

Ngoài ra, lãnh đạo Hà Nội nhấn mạnh về việc tiếp tục tạo kỉ luật kỉ cương trong quản lý, trong xã hội, trong cộng đồng để đảm bảo tốt an ninh trật tự. Tiếp tục coi trọng phát triển văn hóa xã hội một cách hài hòa. Chú trọng phát triển đồng bộ để hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị; tăng cường công tác quản lý, phấn đấu xây dựng một thủ đô văn minh, hiện đại.

MỚI - NÓNG