Hạ nhiệt cướp phết, tranh lộc phản cảm cách nào?

Phú Thọ thay đổi cách tổ chức tranh phết tại hội Phết Hiền Quan để giảm bạo lựcẢnh: Nguyên Khánh
Phú Thọ thay đổi cách tổ chức tranh phết tại hội Phết Hiền Quan để giảm bạo lựcẢnh: Nguyên Khánh
TP - Hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) năm qua thay đổi hình thức thành công để tránh cảnh tranh cướp lộc, tuy nhiên loạt lễ hội nóng khác như phết Hiền Quan, lễ hội Đúc Bụt ở Sơn Dương vẫn còn đó nguy cơ vỡ trận.

LẬP HÀNG RÀO

Hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) được Bộ VHTTDL liệt vào danh sách những điểm nóng lễ hội cần tập trung tìm giải pháp. Ông Nguyễn Việt Trung- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ cho biết, phần lớn trong số 369 lễ hội của tỉnh diễn ra lành mạnh, tuy nhiên hình ảnh từ hội Phết Hiền Quan, cầu trâu Hương Nha-Tam Nông vẫn còn nóng khiến các nhà quản lý địa phương phải lưu tâm. Ông Bùi Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Hiền Quan thừa nhận xã rà soát để lập danh sách người tham gia đánh phết, tuy nhiên những năm gần đây số lượng người tham gia lễ hội lớn lên tới hàng vạn người khiến khâu đảm bảo an ninh gặp khó.

Đời sống thay đổi kéo theo quy mô lễ hội không còn ở quy mô làng xã, đòi hỏi hình thức tổ chức cần đổi mới. Lãnh đạo Sở VHTTDL Phú Thọ khẳng định lễ hội thu hút sự tham gia của hàng nghìn người, trong những năm gần đây luôn có hiện tượng tranh giành, xô đẩy, bạo lực gây phản cảm. Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ làm việc với lãnh đạo huyện Tam Nông nhiều lần để xây dựng đề án đổi mới công tác tổ chức. Từ 2018, Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTTDL) theo sát lễ hội này, thậm chí đích thân lãnh đạo Cục và cán bộ “nằm vùng”. Tuy nhiên, cán bộ Cục vừa rời khỏi địa bàn hội Phết lại vỡ trận.

Chuẩn bị cho lễ hội 2019, lãnh đạo Sở VHTTDL Phú Thọ khẳng định, đề án đổi mới năm nay có nhiều giải pháp. Khu vực sân đánh phết rộng khoảng 1.000m2, theo đó BTC cho dựng bốn cây nêu làm ranh giới tranh phết. “Khi quả phết được đưa vào vòng cắm cây nêu thì quả phết đó thuộc về người thắng cuộc chứ không phải cướp được quả phết mang về nữa”, ông Trung nói về điểm mới lễ hội năm nay. Quanh sân phết, BTC bố trí bốn lớp hàng rào bằng cọc gỗ, cách 10m có một cọc, mỗi lớp hàng rào được căng ba lớp dây thừng chắc khoẻ. Bên ngoài và giữa các lớp hàng rào bố trí lực lượng công an, an ninh của tỉnh, huyện và xã để ngăn không cho nhân dân và du khách vào sân đánh phết.

Năm trước BTC cũng chọn và chia đội đánh phết, tuy nhiên vẫn vỡ trận. Năm nay số lượng người đánh phết chỉ giới hạn 100 người của xã Hiền Quan, chia làm hai đội tượng trưng cho giáp Thượng và giáp Hạ với trang phục màu xanh và đỏ. Số người đánh phết giảm một nửa, việc bố trí trang phục được xem như giúp khắc phục tình trạng người không phận sự tràn vào bãi phết. Lãnh đạo Sở cũng nêu ra hàng loạt giải pháp về tăng cường lực lượng an ninh từ tỉnh, huyện cho BTC hội Phết Hiền Quan, kết hợp với tuyên truyền để người dân thay đổi thái độ, nhận thức đi hội.

GIẢM GIẰNG CO, BẠO LỰC

Không riêng cướp phết Hiền Quan, lễ hội Đả cầu cướp phết (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) thời gian gần đây cũng luôn được xem là điểm nóng. Ông Quản Đức Hạnh, Trưởng phòng nếp sống, văn hóa và gia đình, Sở VHTTDL Vĩnh Phúc nêu trước đây lễ hội này không có kịch bản mà để tự phát, năm nay UBND huyện Lập Thạch phê duyệt hai phương án rước và cướp phết. Người dân vẫn mong muốn được cướp, nếu tổ chức cướp phết phải báo cáo huyện để xem xét. Phương án chỉ rước phết được xem là giải pháp tối ưu để không có hiện tượng chen lấn và xô đẩy.

Vĩnh Phúc còn lễ hội Đúc Bụt (Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương) cũng không thiếu hình ảnh phản cảm từ việc tranh cướp lộc. Nhằm giảm thiểu các hình ảnh bạo lực, BTC nêu phương án mới hướng tới lễ hội văn minh. Địa phương vận động nhân dân thay đổi nhận thức, theo đó chỉ cần chạm tay vào chiếu cũng là lấy may. Đối với chiếc chiếu trong lễ hội, BTC cho may đơn giản, không thắt nút để dễ rút chiếu tán lộc cho nhân dân, không phải giằng co tranh cướp như trước.

Không riêng hình thức lễ hội tranh cướp lộc như phết, lễ hội chọi trâu Vĩnh Phúc vốn là điểm nóng ở chỗ có hiện tượng trục lợi, thổi giá bán thịt trâu sau lễ hội. Riêng với chọi trâu Hải Lựu, Bộ VHTTDL chỉ đạo phải đổi mới hình thức, tuyệt đối không được thương mại hoá như bán vé. Địa phương cam kết không bán vé thu tiền người xem hội, thay vào đó huy động từ các nguồn xã hội hoá.

Lãnh đạo một số địa phương phản ánh hiện tượng doanh nghiệp một số nơi vẫn muốn chọi trâu bán vé. Đại diện Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái cho biết vẫn có doanh nghiệp cố tình xin tổ chức thi trâu, đấu trâu, tuy nhiên tỉnh không cấp phép. Ông Nguyễn Vũ Phan, Quyền Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang phân tích, chính Nghị định 110 về quản lý và tổ chức lễ hội tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương. Nghị định này quy định rõ về không bán vé thu tiền vì vậy năm nay không có doanh nghiệp nào đề xuất xin tổ chức chọi trâu. Phương án đổi mới cách tổ chức cũng được áp dụng cho lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, nhằm tránh hiện tượng thương mại hoá để trục lợi khi tổ chức lễ hội.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nêu nguyên nhân của hạn chế trong các lễ hội phần nhiều do một số nơi chỉ chú trọng đầu tư đến hình thức, quy mô mà chưa đảm bảo về nội dung, chưa chú trọng giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội. Một số lễ hội còn duy trì tập tục chứa đựng yếu tố bạo lực, phản cảm không phù hợp với xu thế của thời đại. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ lưu ý, mùa lễ hội năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện Nghị định 110 của Chính phủ vừa ban hành về quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó quy định rất rõ về phân cấp trách nhiệm của địa phương. Lãnh đạo Bộ đề nghị các địa phương nâng cao vai trò trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh đối với các lễ hội ở địa phương.

MỚI - NÓNG