Máy bay chiến đấu F-16. Ảnh: Getty Images |
Bà Ollongren cho biết Hà Lan "đang áp dụng cùng một nguyên tắc mà chúng tôi đã áp dụng đối với việc cung cấp các loại vũ khí khác".
"Khi chúng tôi bàn giao nó cho Ukraine, thì họ có toàn quyền sử dụng. Chúng tôi chỉ yêu cầu họ tuân thủ luật pháp quốc tế và quyền tự vệ theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, có nghĩa là họ có thể sử dụng nó để nhắm vào các mục tiêu quân sự mà họ cần nhắm tới để tự vệ", Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan nói.
Bà Ollongren là một trong số những quan chức kêu gọi dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp.
Hà Lan cùng với Đan Mạch đã thành lập "liên minh máy bay chiến đấu" cho Ukraine vào tháng 7/2023. Nhóm các nước này cam kết cung cấp cho Kiev máy bay F-16 và giúp đào tạo phi công cũng như nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành máy bay phản lực thế hệ thứ tư do Mỹ sản xuất.
Trước đó hồi cuối tháng 5, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cũng tuyên bố Ukraine sẽ được phép sử dụng máy bay chiến đấu F-16 do Đan Mạch cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
“Đây không phải là một quan điểm mới. Đây là một phần của quá trình chuyển giao. Chúng tôi đã nói rõ ngay từ đầu khi thảo luận vấn đề này với Ủy ban Đối ngoại tại Quốc hội Đan Mạch, rằng đây là một phần của hoạt động tự vệ, nên có thể tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ đối phương”, ông Rasmussen giải thích.
Lô F-16 đầu tiên của Đan Mạch dự kiến sẽ được bàn giao cho Ukraine vào mùa hè này.
Những lời kêu gọi cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây đã gia tăng sau khi Nga phát động một chiến dịch mới ở Kharkiv vào ngày 10/5.
Kiev cho biết họ không thể tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu vào lực lượng Nga đang tập trung ở biên giới do những hạn chế về cách sử dụng vũ khí của phương Tây.