1. Gần trọn cả trận, thày trò Van Gaal đã phải khiêu vũ theo nhịp điệu của các nhạc công mariachi. Trong cái nắng giữa trưa miền cận xích đạo giáng xuống như búa tạ, và trong độ ẩm kinh khủng đối với các vị khách ôn đới, Mexico như chưa bao giờ lên bóng thanh thoát đến thế.
Lúc nào họ cũng có thể tạo nên một bàn thắng. Tốc độ xuyên phá và những kỹ năng khéo léo của Giovanni dos Santos hay Peralta đã tỏ ra vô cùng hữu dụng, trước những trung vệ áo cam, vạm vỡ nhưng chậm chạp và có phần uể oải.
Van Gaal lão luyện cũng không thể làm gì để thay đổi cục diện ấy. Những miếng chiến thuật sắc bén nhất của ông, hướng vào đường chạy của Robben hay Van Persie, đã hoàn toàn vô hiệu. Những người hùng đã bị nhận diện, và việc tiền đạo thủ quân rời sân ở phút 76 gián tiếp thừa nhận một sự bất lực.
2. Nhưng, đó cũng là khởi điểm của một cuộc lội ngược dòng phi thường. Và nó khẳng định rằng Van Gaal thực sự có “mắt xanh nhìn người”.
Hãy ca ngợi phát rocket “trút hận” không thể cản phá từ chân Sneijder, và cũng có thể ca ngợi cú ngã rất “dẻo” của Robben. Song, thứ vũ khí bí mật thực thụ mà Van Gaal để dành cho đến tận thời khắc tuyệt vọng, và đã phát huy sức mạnh, là một kẻ tưởng như đã ở quá xa thời oanh liệt.
Huntelaar xứng đáng nhận được những sự tôn trọng, thậm chí là những lời cảm tạ từ các đồng đội.
Không có anh, tình huống cố định ấy hẳn cũng sẽ trôi đi như bao quả phạt góc vô nghĩa từng trôi đi, bởi chẳng ai còn đủ tỉnh táo để tạo nên khác biệt bằng một cú trả bóng bằng đầu đầy tính chiến thuật. Sneijder hồi sinh nhờ quyết định ấy, và Hà Lan cuối cùng cũng tìm thấy một điểm tựa từ đó.
Và không có anh, ai sẽ là người thực hiện quả phạt đền dưới nghìn cân sức ép lạnh lùng đến thế? Gắt, căng, sát cột, đó là một cú sút không thể cản phá. Nó thật sự là “của hiếm”, khi người ta nhớ lại những “thành tích” đáng tự hào trong những loạt sút luân lưu mà người Hà Lan đã từng trải qua, ở các kỳ World Cup hay EURO.
3. Cũng phải nói là Mexico còn quá “non”. Miguel Herrera lẽ ra đã có thể “bảo vệ thành quả” bằng những cách hữu hiệu hơn nhiều so với việc lưỡng lự lựa chọn giữa “thừa thắng xông lên” và “nhất tâm tử thủ”.
Ông có thể tăng cường thêm chất thép bằng một tiền vệ đánh chặn giàu cơ bắp. Ông có thể khuyếch tán sự nóng nảy của người Hà Lan bằng những màn “đá ma”. Hoặc ông cũng có thể để các học trò duy trì sức ép bằng những mũi nhọn đích thực, chứ không phải là rút Dos Santos ra quá sớm.
Van Gaal đã tận dụng được những nỗi khắc khoải mong chờ tiếng còi mãn cuộc ấy. Với Huntelaar, giữa ánh sáng và bóng tối, ông gợi lên những hoài niệm đẹp đẽ về một “Cơn lốc da cam” thời xưa cũ.
Trước World Cup 2010, họ đã luôn tấn công như thế. Tốc độ, sắc sảo, uy lực, bắt đối thủ phạm sai lầm, chứ không phải rình rập chờ đợi những lần đối thủ phạm sai lầm.