Ông Vương Duy Bảo, cháu nội Vua Mèo Vương Chí Sình (Vương Chí Thành) vừa có đơn gửi Thủ tướng, kiến nghị giải quyết trả lại mảnh đất gắn với tòa dinh thự hơn 100 tuổi của họ Vương người H’mông ở Hà Giang.
Trong đơn, ông Bảo bày tỏ bức xúc khi biết thông tin UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự trên từ năm 2012.
Về việc trên, ông Lâm Tiến Mạnh - Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và ông Hoàng Văn Nhu - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang đều nói rằng UBND tỉnh chưa có chỉ đạo nên các đơn vị chưa có câu trả lời cụ thể. Dự kiến tuần tới, tỉnh sẽ lập tổ công tác kiểm tra nội dung liên quan.
“Chúng tôi đang chờ ý kiến của tỉnh và sẽ kiểm tra lại quy trình cấp sổ đỏ dinh thự họ Vương. Hiện chưa thể khẳng định việc này đúng hay sai", ông Mạnh nói.
"Gia tộc họ Vương chưa bao giờ quyết định hiến dinh thự"
Theo ông Vương Duy Bảo, trước khi mất, Vua Mèo Vương Chính Đức chia tòa dinh thự tại xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) thành ba phần: Tiền dinh do cháu đích tôn Vương Quỳnh Sơn quản lý; trung dinh do con thứ ba Vương Chí Chư quản lý; hậu dinh do con út Vương Chí Sình (sau này là người kế nghiệp) quản.
Không lập di chúc, nhưng việc trên có sự chứng giám của các đầu dòng, đầu họ người H’mông. Vì vậy, theo ông Bảo, gia đình ông có quyền thừa kế hợp pháp dinh Vua Mèo.
Ông Bảo thừa nhận năm 2002, bố ông là Vương Quỳnh Sơn đã vận động mọi người trong dinh thự chuyển ra ngoài sinh sống. Họ Vương đề nghị nhà nước hỗ trợ 230 m2 đất và tiền để dựng nhà cửa. “Nhưng nhà nước chỉ hỗ trợ tổng số tiền 500 triệu cho ba chủ thể sở hữu dinh họ Vương để ra ngoài sinh sống. Việc này có văn bản giữa các bên”, ông Bảo cho biết.
"Số tiền hỗ trợ đó chỉ để các gia đình họ Vương chuyển ra ngoài sinh sống, tạo thuận lợi cho việc trùng tu và bảo vệ lâu dài dinh thự. Gia tộc họ Vương chưa bao giờ quyết định hiến dinh thự cho nhà nước”, ông Bảo nói.
Bộ Văn hóa sẽ vào cuộc
Ông Trần Đình Thành, Cục phó Di sản văn hóa, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho biết, về nguyên tắc, khi Nhà nước công nhận di tích quốc gia không đồng nghĩa với việc buộc chủ sở hữu phải quốc hữu hóa đất và tài sản trên đất. “Đây là tài sản của con người, được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự. Luật Di sản văn hóa chỉ quy định những điều cần thiết bảo vệ di sản một cách tốt nhất chứ không quốc hữu hóa đất và tài sản trên đất”, ông Thành nhấn mạnh.
Theo Cục phó Di sản, trường hợp chủ sở hữu muốn bán thì nhà nước ưu tiên mua trước, nhưng vẫn phải trên cơ sở thoả thuận giữa nhà nước và chủ sở hữu đất đai, tài sản trên đất. Việc cấp sổ đỏ dinh Vua Mèo cho Phòng Văn hóa Thông tin Đồng Văn đúng hay sai "thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của tỉnh Hà Giang".
Ông Lưu Trần Tiêu, nguyên Thứ trưởng Văn hóa, người ký quyết định công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia cho dinh thự họ Vương năm 1993, cũng đồng quan điểm với ông Thành. Ông Tiêu nói công nhận di tích không đồng nghĩa với việc nhà nước được tước quyền sở hữu đất đai và tài sản trên đất; do vậy tỉnh Hà Giang phải làm rõ căn cứ pháp lý việc cấp sổ đỏ dinh thự Vua Mèo cho Phòng Văn hóa Thông tin Đồng Văn.
Ông Tiêu dẫn chứng, phố cổ Hội An được UNESCO ghi danh là di sản thế giới, nhưng quyền sở hữu nhà cửa, đất đai vẫn thuộc về các hộ gia đình. “Nhà nước muốn quốc hữu hóa đất và dinh thự thì phải có văn bản pháp lý, thương lượng với gia đình họ Vương. Nếu gia đình, dòng họ đã đồng ý hiến đất và dinh thự cho nhà nước thì việc cấp sổ đỏ không sai. Nhưng nếu chính quyền tự ý cấp là sai”, ông Tiêu nêu quan điểm.
Chánh văn phòng Bộ Văn hóa Nguyễn Thái Bình cho hay Bộ sẽ sớm lập đoàn đến Hà Giang kiểm tra sự việc.
Ngày 16/8, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch báo cáo tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo về các vấn đề liên quan đến tòa dinh thự họ Vương. Trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tòa dinh thự này. Các đơn vị báo cáo Thủ tướng trước 31/8.