Ngổn ngang
Đường vào bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ) vẫn còn nham nhở bởi bùn, đá vùi lấp và cả dòng chảy xiết, cuộn gào của suối Huồi Giảng như muốn chắn lối đi. Hàng trăm người với cuốc xẻng trên tay, làm quần quật không ngừng nghỉ. Máy múc, xe tải, xe ben hoạt động hết công suất. Cầm bình hương thờ cúng đặt lại nơi gác bếp, anh Lô Văn Bảy (SN 1979, trú tại bản Hòa Sơn) kể: “Lũ đã cuốn đi hết tài sản, vách nhà đổ sập, nhưng may còn 4 cái cột. Lúc trước cũng đói nghèo thế này, nhờ 4 cái cột mà dựng nên ngôi nhà. Nay thiên tai ập đến, lâm cảnh túng quẫn, éo le rồi vợ chồng cũng phải cố mà gượng dậy. Chỉ tội các con còn nhỏ, đói khát khó mà chịu được”.
Tay mân mê chiếc bánh chưng vừa được phân phát, ông Vi Văn Chính (SN 1953) cứ thẫn thờ hồi lâu. “Phải ăn mới có sức khỏe gây dựng lại ngôi nhà. Chứ mãi sống ủ rũ, buồn bã thì sao các con có nhà để ở, sao có tinh thần vực dậy được từ khó khăn. Mình bản lĩnh thì các con mới phấn chấn lại mà làm theo”, ông Chính nói. Nền đất trống hơ trống hoác, vốn dĩ là ngôi nhà của con trai ông, lũ đã cuốn sạch toàn bộ, không chừa một thứ gì. Cậu con trai nghe lời bố, đang quần quật khuân đá san lại mặt bằng. “Làm được chừng nào hay chừng đó, chứ máy móc chưa vào được mà khoanh tay nhìn thì không chịu nổi”, nói đoạn, anh lại tiếp tục công việc của mình.
Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ |
Không xa là ngôi nhà của anh La Khăm Ỏn (SN 1982, khối 1, thị trấn Mường Xén). Hai ngày qua, nhà anh Ỏn vẫn bị bùn đá lấp dày, đôi vợ chồng loay hoay tìm cách khắc phục. Chị Nguyễn Thị Hoa (vợ anh Ỏn) cứ bần thần bên bờ suối rồi lại vào trước cửa. Ngôi nhà không thể vào trong, anh chị cũng chỉ biết đứng ngoài nhìn. Nhưng hôm nay, hàng chục người đã đến hỗ trợ cùng vợ chồng anh Ỏn bới bùn sâu hơn 2m. Hi vọng vớt vát được tài sản có thể tái sử dụng trong đống bùn lầy.
Nghĩa tình đồng bào
Ngay sau khi lũ quét xảy ra, chính quyền huyện Kỳ Sơn đã lập tức huy động 300 người từ nhiều tổ chức, đơn vị để cứu trợ, cứu nạn vùng bị thiệt hại. Xã Tây Sơn, Tà Cạ và một phần thị trấn Mường Xén bị lũ quét tàn phá nặng nề. “Bằng mọi cách phải vào được vùng cô lập, di dời người dân đến điểm an toàn là việc làm đầu tiên”, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh cho biết. Tỉnh Nghệ An cũng đã huy động hàng trăm chiến sỹ bộ đội, công an, phương tiện lên đường tới Kỳ Sơn ngay trong ngày 2/10. Tổng lực lượng tham gia cứu nạn ngày 2/10 hơn 700 người. Thị trấn Mường Xén bỗng huyên náo, đông đúc người đến; từng đoàn xe cứu trợ nối theo nhau vượt rừng mang nhu yếu phẩm đến tiếp tế, hỗ trợ bà con miền biên viễn. Ở Thạch Giám (huyện Tương Dương), bản làng đỏ lửa thức thâu đêm. Chiếc bánh chưng ấm áp nghĩa tình đồng bào vội vã theo những chuyến xe hành quân tới Kỳ Sơn.
“Là người lính, tôi luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, vì nhân dân, vì sự ổn định cuộc sống của bao người nghèo khổ. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây nên thấu hiểu về sự khó nhọc của đồng bào miền núi”. Thượng úy Lô Đình Quang
Trực tiếp chỉ huy tiền phương, Đại tá Hồ Quyết Thắng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng (BĐBP) Nghệ An cho biết: “Hơn 100 cán bộ, chiến sỹ của các đơn vị đã có mặt tại Mường Xén, khẩn trương hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào khắc phục hậu quả lũ lụt. Các tổ công tác bắc cầu tạm bằng tre vượt qua các con suối chảy xiết, đưa người và hàng hóa cứu trợ vào bản Sơn Hà, bản Bình Sơn 1, Bình Sơn 2 (xã Tà Cạ). Đây là các địa điểm đang tạm thời bị chia cắt với bên ngoài do nước suối dâng cao, chảy xiết, các tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, do đó việc tiếp cận, cứu trợ rất khó khăn.
Ngoài ra, BĐBP tỉnh Nghệ An còn quyên góp hỗ trợ tặng 2,5 tấn nhu yếu phẩm (mỳ tôm, lương khô, sữa, nước uống...) cho người dân vùng tâm lũ. Chúng tôi sẽ duy trì lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân đến khi ổn định đời sống”. Nỗi đau vẫn còn dai dẳng với vợ chồng anh Mùa Xuân Tình, Và Y Dờ (bản Sơn Hà) khi mất đi đứa con 4 tháng tuổi do bị cuốn trong lũ quét. Khung cảnh tan hoang, nhà bị sập đổ, trôi hết tài sản. Chính quyền sở tại cùng BĐBP đã có mặt để thăm hỏi, động viên và giúp gia đình ổn định đời sống. Sau bữa cơm trưa “dã chiến” ngay tại hiện trường, không kịp nghỉ ngơi, cán bộ chiến sỹ lại khẩn trương tỏa đi giúp các hộ gia đình khác.
Đoàn viên, thanh niên tình nguyện trong tâm lũ |
Khu vực vùng bị lũ quét tàn phá đâu đâu cũng có màu áo xanh tình nguyện. Từ thị trấn Mường Xén đến bản Sơn Hà, Hòa Sơn (xã Tà Cạ) khoảng 4km, trên vai đoàn viên thanh niên là thùng nước uống, mì tôm, lương khô. Những căn nhà, công sở ngập ngụa bùn, màu áo xanh nhiệt huyết xung phong cùng bộ đội, công an vệ sinh, dọn dẹp. Anh Vi Thái Thuận - Bí thư Huyện Đoàn Kỳ Sơn nói: “Ngày đầu tiên tham gia cứu trợ có 300 đoàn viên, thanh niên, nhưng đến chiều 3/10 đã lên tới 500 người. Với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, chúng tôi - những người trẻ luôn có mặt tại các điểm nóng do thiên tai gây ra”.
Chỉ có thời gian một buổi cùng gia đình dọn dẹp vệ sinh bùn đất, Thượng úy Lô Đình Quang (trú tại bản Hòa Sơn, công tác tại công an huyện Kỳ Sơn) lại tức tốc vào bản cùng đồng đội làm nhiệm vụ. Ngôi nhà của vợ chồng anh Quang nằm bên vực núi, sạt lở đất đã làm sập gian nhà phía sau. Nhà của bố mẹ và anh trai nằm giữa đồng ruộng, gần với suối Huồi Giảng, chịu sự tàn phá nặng nề bởi trận lũ quét. Bà Ngân Thị Biển (mẹ anh Quang) giàn giụa nước mắt khi chứng kiến lũ dữ cuốn trôi hết tài sản, ruộng lúa bao ngày chăm sóc đang trổ bông bị đất đá phủ lấp. Bố của Quang và anh trai cũng may mắn thoát khỏi “thủy quái” nhờ dân bản kịp thời cứu. Gác lại việc gia đình, anh xông pha vào khu vực thiệt hại nặng do lũ, giúp dân.