GS. Ngô Bảo Châu: Đừng đặt gánh nặng điểm số cho trẻ

0:00 / 0:00
0:00
GS. Ngô Bảo Châu: Đừng đặt gánh nặng điểm số cho trẻ
TPO - Tại Hội nghị thường niên về tương lai giáo dục vừa được tổ chức, GS. Ngô Bảo Châu cùng các chuyên gia đã chia sẻ ý kiến đối với chủ đề định hướng, hỗ trợ trẻ phát triển sự sáng tạo.

Nêu quan điểm về việc nuôi dạy các con, GS Ngô Bảo Châu cho biết, vai trò của các bậc cha mẹ là hỗ trợ để trẻ hình thành tư duy học tập tích cực. Việc học không phải là nạp những kiến thức cũ kỹ, sáo mòn; việc học cũng không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống mà việc học chính là cuộc sống. Điều đó có nghĩa, trẻ phải được sống với cuộc đời của chính mình. Trẻ có thể học khoa học, học viết, học làm toán hay học các môn nghệ thuật,… miễn điều đó khiến trẻ cảm thấy hạnh phúc.

“Tôi nghĩ rằng có rất nhiều cha mẹ có thể nghiêm khắc với con cái hơn tôi; kết quả học tập của con họ cũng có thể xuất sắc, vượt trội hơn, nhưng với các con, tôi lại không quá đặt nặng về chuyện điểm số. Cũng rất nhiều người quan niệm rằng, con phải đạt điểm thật cao để sau này có sự nghiệp thành đạt. Nhưng theo tôi, đó không phải là tất cả cuộc sống”, GS. Ngô Bảo Châu nói.

Ông cũng khẳng định không nên mục đích hóa mọi việc. Trong hành trình cuộc đời, con trẻ thông qua việc học để trở thành những người độc lập, biết sống cuộc sống của mình, làm chủ và hạnh phúc với cuộc sống đó; có khả năng cảm thụ cái hay, cái đẹp của cuộc sống, của nghệ thuật; biết vui và sống chan hòa, đem lại những niềm vui, hạnh phúc cho người khác. Vì thế, mặc dù cũng từng mong muốn một trong những đứa con của mình sau này cũng sẽ theo đuổi con đường toán học, nhưng khi không thành công, GS. Ngô Bảo Châu cũng không cảm thấy quá buồn về chuyện đó.

Bên cạnh đó, theo GS. Ngô Bảo Châu, sáng tạo là phần cốt yếu trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu, khoa học, nghệ thuật, văn hóa… Trong dạy học, sự sáng tạo luôn là phần thiết yếu.

Ông so sánh một người thầy thực thụ cũng giống như một nghệ sĩ, dù chơi một bản nhạc được sáng tác cách đây hàng trăm năm, họ luôn đặt vào một phần riêng của mình. Trong cách nghệ sĩ chơi nhạc có một phần tâm hồn của họ, khiến không nghệ sĩ nào chơi giống một nghệ sĩ nào.

Tương tự, một nhà giáo thực thụ không bao giờ truyền đạt những kiến thức "chết". Họ không chỉ đọc thuộc lòng lại những gì trong sách, không giảng đi giảng lại những kiến thức năm nay cũng giống năm trước.

Muốn như vậy, người thầy cần hiểu rất sâu kiến thức khi truyền đạt cho học sinh. Bài vở dạy hôm sau sẽ liên quan đến bài hôm trước thế nào. Hay những gì giáo viên truyền tải hôm nay có giải quyết được câu hỏi thực tế nào hay không...

Tại hội nghị, nhà giáo dục, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ, sự sáng tạo là định hướng xuyên suốt của thế giới trong thế kỷ 21 vốn phức hợp và đầy biến động. Giáo dục vì vậy cũng cần liên tục thay đổi mới có thể đáp ứng những giá trị mới của cuộc sống.

Giáo dục khi đó cần giữ được mối quan hệ mật thiết giữa trí tuệ cảm xúc EQ và chỉ số thông minh IQ. Trong đó, EQ đòi hỏi giáo dục phải hướng trẻ tới trái tim, tâm hồn, trí tưởng tượng và cái đẹp.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.