'Đại chiến' Vinasun và Grab:

Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng

TPO - Ngày 28/12, TAND TPHCM tiếp tục mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự về việc tranh chấp “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa Cty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Cty TNHH Grab (gọi tắt là Grab). Theo đó, HĐXX đã tuyên không chấp nhận yêu cầu của Vinasun về việc buộc Grab bồi thường 36 tỷ đồng, chỉ chấp nhận yêu cầu buộc Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng trong vụ án này.

Ngày 28/12, TAND TPHCM tiếp tục mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự về việc tranh chấp “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa Cty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Cty TNHH Grab (gọi tắt là Grab).

Vụ án này được TAND TPHCM thụ lý và đưa ra xét xử vào ngày 6/2, kéo dài gần 1 năm nhưng vẫn chưa có hồi kết dù sau nhiều lần tạm hoãn, tạm ngừng để các bên bổ sung thêm các chứng cứ, hòa giải...

Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng ảnh 1 Đại diện Vinasun tại phiên tòa sáng 28/12. Ảnh Văn Minh

Tại tòa, đại diện VKSND TPHCM đã nêu quan điểm rằng, trong quá trình giải quyết vụ án, thẩm phán đã thực hiện đúng quy trình tố tụng. Công ty giám định Cửu Long đã được tòa triệu tập nhiều lần nhưng không đến, việc này là vi phạm pháp luật.

Theo đại diện VKSND TPHCM, trong vụ án này, phía Vinasun không đưa ra được chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của Grab là nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại.

Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng ảnh 2 Đại diện Grab. Ảnh Văn Minh

Do đó, theo VKSND giữ quyền công tố tại tòa, không đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun khi yêu cầu Grab bồi thường 41,2 tỷ đồng.

Qua vụ án này, đại diện VKSND cho biết sẽ đề xuất với VKSND Tối cao kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan ban ngành có liên quan xây dựng lại khung pháp lý về quản lý các loại hình kinh doanh vận tải. Qua đó, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng cho những đơn vị tham gia kinh doanh vận tải hành khách.

Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng ảnh 3 Trong khi HĐXX tuyên án thì bên ngoài sân tòa có hàng trăm tài xế Vinasun tụ tập. Ảnh Văn Minh

Từ các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như quá trình tranh luận tại tòa, HĐXX đã tuyên rằng, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun. Cụ thể, buộc Grab bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỷ đồng. Không chấp nhận khoản tiền hơn 36 tỷ đồng mà Vinasun yêu cầu Grab bồi thường.

HĐXX kiến nghị, cho rằng trong thời gian Grab tham gia thí điểm Đề án 24 đã mang lại những tiện ích cho người dân, đây là mô hình mới và xu thế tất yếu của thời đại.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những mặt chưa được như trong thời gian qua, cơ quan chức năng chưa quản lý được Grab một cách phù hợp mà gập khuôn theo mô hình kinh tế chia sẻ trên thế giới. Việc này dẫn đến nhiều hạn chế.

 Clip HĐXX tuyên án vụ tranh chấp giữa Vinasun và Grab sáng 28/12. Clip Văn Minh

Theo đó, Bộ GTVT cần xem Grab như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi để dễ dàng quản lý, không thất thu thuế như hiện nay. Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. cần quản lý Grab một cách hợp lý để quản lý được giá cước, đóng bảo hiểm và các cơ chế phúc lợi lâu dài cho người lao động khi tham gia mô hình kinh doanh mới này. Cần xây dựng lại khung pháp lý quản lý các mô hình kinh doanh để đảm bảo việc chống phá giá, chống độc quyền…hạn chế xe ô tô tham gia mô hình mới này để hạn chế kẹt xe.

Từ đó, HĐXX kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cần xem Đề án 24 để có những chỉnh sửa, thay đổi cho phù hợp. Bộ Tài chính xem xét để có khung pháp lý quản lý về giá cước của các loại hình kinh doanh vận tải mới này. Đồng thời kiến nghị cơ quan ban ngành xem xét có chính sách quản lý cơ chế đóng bảo hiểm cho người lao động khi tham gia kinh doanh mô hình này..

Trong vụ án này, Vinasun cho rằng Grab đã lợi dụng Quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong việc hỗ trợ và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Đề án 24) để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi. Từ đó, Vinasun khởi kiện Grab ra TAND TPHCM yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền 41,2 tỷ đồng, vào đầu tháng 2/2018.

Phía Grab cho rằng là một công ty công nghệ ứng dụng khoa học công nghệ vào việc hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Grab cho rằng hoạt động luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam, nếu có vi phạm hoặc không làm đúng Đề án 24 thì Bộ GTVT mới là cơ quan có thẩm quyền xử lý. Về số tiền phía nguyên đơn đòi bồi thường, Grab cho rằng không có căn cứ để xác định con số thiệt hại.

MỚI - NÓNG