'Đại chiến' Vinasun và Grab: Chưa có hồi kết

Ông Trương Đình Quý (Phó Tổng giám đốc Vinasun) cùng các luật sư tại tòa. Ảnh: Văn Minh
Ông Trương Đình Quý (Phó Tổng giám đốc Vinasun) cùng các luật sư tại tòa. Ảnh: Văn Minh
TP - Vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và Grab kéo dài gần 1 năm, qua nhiều lần hoãn xử, tạm ngưng phiên tòa để đôi bên hòa giải, ngày 26/12, TAND Thành phố HCM tiếp tục mở phiên tòa nhưng vụ việc vẫn chưa có hồi kết…

Ngày 26/12, TAND TPHCM tiếp tục mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự về việc tranh chấp “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa Cty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Cty TNHH Grab (gọi tắt là Grab).

Vụ án này được TAND TPHCM thụ lý và đưa ra xét xử vào ngày 6/2, đến nay việc phân xử, hòa giải đã kéo dài gần 1 năm nhưng vẫn chưa có hồi kết, dù sau nhiều lần tạm hoãn, tạm ngừng để các bên bổ sung thêm các chứng cứ, hòa giải...

Tại tòa ngày 26/12, đại diện Vinasun cho biết, lần tạm ngừng phiên tòa gần đây nhất để hòa giải là xuất phát từ mong muốn của Grab. Phía Vinasun tôn trọng và có thiện chí đồng ý ngồi hòa giải với Grab. Tuy nhiên, trong thời gian gần 1 tháng tòa án tạm hoãn để hai bên hòa giải, hai bên đã không tìm được tiếng nói chung.

Trong khi phía Grab đề nghị nếu Vinasun muốn hòa giải thì hai bên hòa giải lần nữa. Tuy nhiên, Vinasun cương quyết đề nghị HĐXX xét xử tiếp vụ án. Đại diện Vinasun cho rằng, lý do là các yêu cầu phía Grab đưa ra không đúng với mong muốn của công ty nên không cần thiết hòa giải nữa.

Theo HĐXX, khi hai bên tiến hành hòa giải, Grab có đưa ra yêu cầu hòa giải bằng cách chịu lỗ để mua lại cổ phiếu của Vinasun với giá gần 65 tỷ đồng. Phía Vinasun cho rằng, nội dung hòa giải này không nằm trong nội dung vụ án nên không chấp nhận với đề nghị mua lại cổ phiếu của Grab.

Trả lời HĐXX, ông Trương Đình Quý, Phó Tổng giám đốc Vinasun cho rằng, Vinasun khởi kiện Grab không phải để đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng mà mục đích chính là làm rõ hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Grab…Ông Quý còn khẳng định, chính hành vi vi phạm của Grab không chỉ gây ảnh hưởng đến Vinasun mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. “Grab tham gia thị trường taxi nhưng không đầu tư bến bãi, không đầu tư hạ tầng là vi phạm pháp luật”, ông Quý nói.

Cũng theo lãnh đạo Vinasun, công ty có đủ khả năng viết phần mềm, ứng dụng hơn cả Grab. Vinasun chỉ thua Grab ở khả năng “vi phạm pháp luật”. “Chúng tôi tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy định kinh doanh và đóng thuế gấp hàng trăm lần Grab. Do đó, mong HĐXX xem xét có một phán quyết công tâm”, ông Quý đề nghị.

Vinasun muốn triệt tiêu Grab?

Phản bác lại những ý kiến này, đại diện Grab cho rằng, mục đích tranh chấp của Vinasun không phải vì tiền bạc mà là muốn triệt tiêu cái mới, triệt tiêu mô hình kinh doanh mới, đặc biệt muốn triệt tiêu Grab. “Grab khẳng định hoàn toàn tuân thủ pháp luật. Do đó, Grab đề nghị HĐXX đình chỉ vụ án này, bởi thời gian đã kéo dài quá”, đại diện Grab đề nghị.

Luật sư Lưu Tiến Dũng (luật sư bảo vệ cho phía Grab) cho rằng, việc Grab gia nhập thị trường với những tiến bộ khoa học công nghệ, thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng là quy luật tất yếu của kinh tế thị trường.

“Người phán xét công tâm và công bằng nhất ở đây là người tiêu dùng khi họ có quyền lựa chọn sản phẩm, dịch vụ tốt hơn với mức giá rẻ hơn để phục vụ nhu cầu của mình. Do đó, việc Vinasun không cải thiện mình cứ để lợi nhuận bị giảm sút rồi đi kiện Grab bồi thường là không đúng”, luật sư Dũng nêu.

Theo luật sư Dũng, Bộ Giao thông Vận tải(GTVT), các cơ quan của Chính phủ là những cơ quan có thẩm quyền ban hành, theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện Đề án thí điểm của Grab. “Nếu giả sử Grab có vi phạm một điểm nào đó của Đề án thí điểm thì đó là vi phạm đối với Nhà nước hay là đối với Vinasun?”, luật sư Dũng đặt vấn đề.

Chốt lại phần tranh luận, đại diện Grab cho biết: “Chúng tôi mong muốn vụ án nên kết thúc sớm để hai bên tập trung kinh doanh. Grab mong muốn đưa ra lời đề nghị cùng Vinasun hợp tác trong kinh doanh, cung cấp ứng dụng công nghệ phần mềm để Vinasun nâng cao chất lượng dịch vụ hơn…”.

Kết thúc phần tranh luận, HĐXX tuyên bố phiên tòa tạm ngừng đến ngày 28/12 sẽ bắt đầu làm việc trở lại với phần nêu quan điểm của đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa.    

Trong vụ án này, Vinasun cho rằng, Grab đã lợi dụng Quyết định 24 của Bộ GTVT về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Đề án 24) để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi. Từ đó, Vinasun khởi kiện Grab ra TAND TPHCM yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền 41,2 tỷ đồng, vào đầu tháng 2/2018.
Phía Grab cho rằng, là một công ty công nghệ ứng dụng khoa học công nghệ vào việc hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Grab cho rằng, doanh nghiệp luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam, nếu có vi phạm hoặc không làm đúng Đề án 24 thì Bộ GTVT mới là cơ quan có thẩm quyền xử lý. Về số tiền phía nguyên đơn đòi bồi thường, Grab cho rằng, không có căn cứ để xác định con số thiệt hại.

MỚI - NÓNG