Theo các đại biểu, Đoàn cần có giải pháp mới, cách làm mới để khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho giới trẻ. Ảnh: Dương Triều |
Dự chương trình có anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; anh Bùi Quang Huy, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn; các Bí thư T.Ư Đoàn: Nguyễn Ngọc Lương, Nguyễn Tường Lâm, Ngô Văn Cương, Nguyễn Minh Triết.
Đổi mới và sáng tạo
Phát biểu đề dẫn, anh Nguyễn Anh Tuấn nêu ra 5 vấn đề cần góp ý của các đại biểu, trong đó công tác giáo dục thế hệ trẻ nhiệm kỳ này đặt ra nhiều thách thức mới. Đoàn phải xây dựng hoài bão, khát vọng vươn lên của người trẻ để góp phần xây dựng đất nước hùng cường, cần có giải pháp mới, cách làm mới để khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.
Về việc xây dựng phong trào cho thanh niên, anh Tuấn cho biết, tổ chức Đoàn vẫn giữ các phong trào, chương trình lớn nhưng cần thay đổi nội hàm vì thời gian tới có nhiều vấn đề mới. “Việc chuyển đổi số như thế nào, phong trào khởi nghiệp cần đổi mới ra sao. Việc rèn luyện kỹ năng cho thanh niên cũng cần những giải pháp mới vì đây là thế hệ Z, rất khác so với 10 năm trước đây. Phong trào tình nguyện cũng đã chuyển từ giá trị tinh thần sang tình nguyện theo dự án, có giá trị lâu dài. Vậy cần phải làm gì để có giá trị mới?...”, anh Tuấn nói.
Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cho rằng, với sự đa dạng của thanh niên hiện nay, khó nhất là tìm mẫu số chung trong triển khai phong trào, hoạt động để tạo sự lan tỏa. Theo ông Vinh, mẫu số chung là tình nguyện và sáng tạo. “Nội dung, nội hàm của phong trào có thể khác nhau ở mỗi đối tượng, địa điểm, nhưng bản chất cần có là tình nguyện và sáng tạo. Đây là mẫu số chung đáp ứng được nhu cầu của mọi thanh niên”, ông Vinh nói. Ông cho rằng, sáng tạo là tố chất của thanh niên, là yếu tố giúp phong trào phát triển, có tính hiệu quả.
Ông Vinh cũng cho rằng, trong triển khai phong trào, cần đảm bảo các yếu tố: có tính dẫn dắt, định hướng, lan tỏa, thiết thực, hiệu quả và bền vững. Trong đó, khó nhất là đảm bảo tính bền vững. Bởi thực tế, có một số phong trào khi phát động rất rầm rộ, nhưng điểm kết thúc lại mờ nhạt.
Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch T.Ư Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho rằng, phong trào tình nguyện phải có đổi mới sáng tạo. “Trong đội ngũ thanh niên phải có đội ngũ tinh hoa, phát huy đội ngũ này sẽ lan tỏa đổi mới, sáng tạo”, ông Kim nói.
Đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục
Theo ông Hoàng Bình Quân, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, nguyên Trưởng ban Đối ngoại T.Ư, Đoàn cần xác định, trong giai đoạn này và những năm tiếp theo, điều gì mới đặt ra cho thanh niên, để thanh niên hoàn thành sứ mệnh của mình. Ông Quân cho rằng, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII diễn ra trong bối cảnh rất mới: nhân loại bước vào thời kỳ mới; đất nước bước vào giai đoạn then chốt sau 35 đổi mới phát triển; lịch sử 90 năm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh đó, ông Quân đề xuất, tiêu đề Văn kiện Đại hội cần ngắn gọn, súc tích, có tính hiệu triệu, đọc xong phải tạo được cảm xúc, thôi thúc thanh niên hành động. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội nên có một đoạn mang tính kêu gọi thanh niên, để lay động, chạm vào cảm xúc thanh niên để khơi gợi, thúc đẩy thanh niên hành động bằng hoài bão, ý chí, nghị lực vươn lên.
Bàn về công tác giáo dục của Đoàn, ông Quân nhận định, chưa bao giờ, công tác giáo dục thanh niên khó như bây giờ. “Đời sống thông tin, văn hóa càng phong phú thì việc giáo dục thanh niên càng khó. Vì vậy, phương thức, hình thức giáo dục của Đoàn càng phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa”, ông Quân nói.
Theo ông Quân, trước đây, Đoàn tổ chức mời thanh niên đến dự, còn bây giờ Đoàn cần tìm đến thanh niên. Bởi thế, ở đâu đông thanh niên, Đoàn tiếp cận để đoàn kết, tập hợp, đặc biệt là mạng xã hội. Thậm chí, với sự bùng nổ, phát triển của mạng xã hội, Đoàn linh hoạt tính đến phương án thành lập chi đoàn, câu lạc bộ trên mạng.
Ông Vũ Văn Tám, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn, cho rằng, thanh niên ngày nay, đặc biệt là thế Z, Alpha chịu sự chi phối, tác động lớn của thông tin trên Internet, mạng xã hội. Vì vậy, công tác giáo dục của Đoàn làm sao trang bị thanh niên “sức đề kháng” để có đủ bản lĩnh vượt những tin tiêu cực, xấu độc trên không gian mạng. Ông Tám nhấn mạnh, giáo dục lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ là một nội dung quan trọng, là hành trang để bạn trẻ hội nhập quốc tế.
Kết luận hội nghị, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, trong đó, sẽ rút gọn Văn kiện. Trong cách viết, sẽ rút ngắn văn phong chính trị, tăng độ trẻ trung phù hợp với thanh niên. Anh Tuấn cho biết, ban soạn thảo sẽ suy nghĩ chắt lọc kinh nghiệm 90 năm thành lập Đoàn, vấn đề nào còn giá trị thì sẽ tiếp tục khẳng định và phát huy. Đồng thời, sẽ cập nhật tốt hơn, chính xác hơn tình hình hiện nay để thấy đất nước cần gì, thanh niên cần gì ở tổ chức Đoàn, để đưa ra giải pháp phù hợp.