'Gốm Thiệp' có gì lạ?

'Gốm Thiệp' có gì lạ?
TP - Hà Nội mỗi ngày thêm tạp, nhưng nếu thiếu đi những của độc Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bảo Sinh… mới gọi là nguy cơ cao. Hai người có cuộc bày biện vui vui ở tư dinh Bảo Sinh hôm 15/6/2013.

TẠO HÓA TẠO TA CHƠI/TA CHƠI TRÒ TẠO HÓA

Nguyễn Bảo Sinh nổi tiếng chọn được cách rong chơi đầy thú vị trong đời: làm thơ, nuôi chó, chọi gà. Giữa phố phường chật hẹp người đông đúc, tư dinh mấy nghìn mét vuông của ông đánh dấu bằng tấm biển đầu ngõ: Nguyễn Bảo Sinh 167 Trương Định. Thôi thế coi như con ngõ này mang tên ông còn gì, dù đầy cư dân khác sinh sống.

Hôm 15/6/2013, Bảo Sinh làm tiệc hoành tráng để cúng giỗ con béc-giê của mình tên là Ami “tạ thế” nhiều năm trước mà theo ông- đã khai sinh ngành kinh doanh chó cảnh Việt Nam. Ngoài ra còn cầu siêu cho hàng trăm con vật cũng “yên nghỉ” nơi này.

Khách khứa- kể cả không mời mà đến đều được chào đón. Sau màn lễ lạt thì thưởng thức cỗ chay, xôi vò chè hoa cau, trái cây. Nghe hát dân ca và nghe ngâm thơ chủ nhân. Lúc về giắt túi tập Huyền thi, văn xuôi Thú chơi Hà Nội… chủ nhân tặng. Ông đã viết rả rích những tập này nhiều năm nay.

Không hiểu do tin đồn thất thiệt hay nhìn tôi giống con bệnh mà mỗi khi gặp, Bảo Sinh hay cười cười đọc câu thơ: Suốt đời chỉ yêu một người/Bệnh ấy còn nặng hơn mười ung thư.

Biết nhà thơ dân gian rất khoái được người khác thuộc thơ mình nên mỗi khi gặp, tôi thường thử “trí nhớ bệnh hoạn” của mình bằng cách đọc những câu thơ Bảo Sinh hợp văn cảnh, ví dụ: Không tưới cho hoa ni lông/Không tâm sự với người không hợp mình. Ông cũng có vẻ tâm đắc những dòng này nên đã khắc thành bia để ở vườn nhà: Tạo hóa tạo ta chơi/Ta chơi trò tạo hóa/Hợp tan mây thành đá/Nhật nguyệt hóa như như.

Trong buổi chiều 15/6/2013, ông nhắc chính ông đã tặng tôi cái tít giản dị Nguyễn Huy Thiệp sang sông làm kinh tế hai chục năm trước. Hồi đó Nguyễn Huy Thiệp mở nhà hàng Hoa Ban bên kia cầu Chương Dương, còn Sang sông là tên một truyện ngắn của ông.

Họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng, bạn thân của Thiệp hồi đó tức cảnh: Tướng về hưu mở nhà hàng/Nguyễn Huy Thiệp phải đi làm tiểu nhi (tức tiểu nhị, người phục vụ).

Sau Bảo Sinh có ông Văn Thùy cũng làm được một số câu thơ dân gian ấn tượng. Bảo Sinh đa dạng hơn. Song nhiều câu thơ Bảo Sinh bậy “thôi rồi”, chỉ có thể tấu lên ở bàn trà quán nước, đàn ông với nhau.

Có câu để các “thi bá” trêu nhau thì hợp: “Đêm nằm nghĩ mãi không ra/Tại sao thằng ấy lại là nhà thơ”. Có câu châm chích được phụ nữ và cám cảnh cho đàn ông: Bỏ cả giang sơn theo người đẹp/Ai hay người đẹp muốn giang sơn. Nhà thơ dân gian khoe, giáo sư Ngô Bảo Châu từng trích dẫn thơ ông khi nhận căn hộ chính phủ tặng, rằng anh rất vinh dự nhận tấm lòng của nhân dân bởi: Khi mê tiền chỉ là tiền/Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm.

Một trong những điều thú vị của những người như Bảo Sinh là chất trào lộng. Từ cô ca ve đến ông thân đáng kính đều là đối tượng để “chòng”. Giả dụ: “Khách hỏi ca-ve: Sao vừa chạm giường đã rên hừ hừ?- “Vì em yêu nghề”.

'Gốm Thiệp' có gì lạ? ảnh 1

Chuyện ông thân đáng kính, mê thơ từ năm lên 8 cho đến khi lìa đời, làm khổ cả nhà: Giang hồ tặc tử con không sợ/Chỉ sợ về nhà bố đọc thơ.  Hoặc: “Nhiều lần cụ Mão đau khổ vì cụ Sáu làm ở Tòa án quận Hoàn Kiếm gửi cho cụ toàn thơ con cóc. Anh Hai bảo: Cụ hãy trả thù, lấy độc trị độc, gửi thơ cụ Mão cho cụ Sáu đọc”. (Cụ Mão là thân sinh Nguyễn Bảo Sinh, còn anh Hai là anh ruột Bảo Sinh).  

NGUYỄN HUY THIỆP- CUỘC CHƠI MỚI

Mọi người đến với hai văn nhân họ Nguyễn hôm ấy đúng là được bữa vui. Ai quan tâm chó cảnh mèo cảnh thì ra vườn nghịch, trêu nó. Sủa om sòm, điếc tai. Ở nghĩa địa động vật, thấy nhiều người đứng thắp hương thắp khói, mặt mũi ưu tư. Đi thang máy lên tầng 6 thì có cả thế giới phụ kiện, thức ăn thức uống của các “chàng nàng”. Cũng áo yếm, xe nôi, làn (để chủ xách thú cưng bát phố), vân vân, y như người.

Có một góc nhỏ để Nguyễn Huy Thiệp bày tranh trên gốm của ông. Nguyễn Huy Thiệp vẽ phong cảnh và chân dung nhà văn Việt Nam thì không mới nhưng lần này ông thiên về đặc tả văn hào thế giới cùng trích dẫn lập ngôn của họ.

Ví như, Victor Hugo nom trầm tư nơi lòng đĩa, còn mặt sau ghi: “Tôi không còn thù địch nữa khi họ khốn nạn”.

“Mỏng và giòn ơi! Tên ngươi là đàn bà” , “Ai trộm túi bạc của tôi là trộm một vật không giá trị” (Shakespeare).

Bảo Ninh, Trần Đăng Khoa là nhà văn Việt Nam hiếm hoi “xuất hiện” lần này với tư cách người mẫu trên gốm. Còn thì họa sĩ Thiệp chủ yếu chiết câu văn hay của của nhà văn Việt Nam bên cạnh tác phẩm chim, hoa, cây lá, mà không vẽ chân dung mấy. Ví như câu thơ rất chi Nguyễn Bính: Bao giờ bến mới gặp đò/Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau. Hoặc: Năm nay, ồ, thế mà vui chán/Những một mình em uống rượu hồng.

Có tranh vẽ chàng cọp mặt buồn rười rượi, và lời chú “Ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!” Thấp thoáng đâu đây nụ cười của người vẽ.

Vừa thấy con gái tôi, Nguyễn Huy Thiệp xoa đầu khen mấy câu rồi nhón chiếc đĩa nhỏ có hình cô bé cầm cây đèn, tặng nó. Sau một hồi lật lên lật xuống, tôi đã chọn được một chồng kha khá để mua thì họa sĩ Đào Hải Phong đứng cạnh bảo “Balzac được đấy”, thế là tôi bê nốt ông này. Nom ông Tấn trò đời đậm đà với hàng ria con kiến và nét sắc sảo, còn cách ngôn của ông thấm thía: “Vinh quang là mặt trời của người chết”. Cuối buổi, chủ nhân lại tặng một xấp nặng trĩu nữa, biến chúng tôi thành những người đại tham lam khi ra về.

TÓC BẠC LẠI GẶP MÁ ĐÀO…

Thập kỷ đầu 90 thế kỷ trước, ai đến nhà Nguyễn Huy Thiệp ở làng Cò cũng nhận xét đôi câu về bức tượng Phật lớn trong vườn- công trình điêu khắc của Nguyễn Hồng Hưng- Nguyễn Huy Thiệp. Người nói nom gương mặt giống Phạm Thị Hoài người nói giống Dương Thu Hương. Bây giờ tượng vẫn đó song khu vườn đã thu hẹp lại qua mấy lần gia chủ xén đất để bán. “Bán đất cũng như bán dâm ấy, thử một lần thế là làm mãi”- lời gia chủ.

'Gốm Thiệp' có gì lạ? ảnh 2 Lập ngôn của các văn hào được “họa sĩ Thiệp” lia lên đĩa 

Hàng chục năm, vợ con chứng kiến ông mê vẽ quên ăn quên ngủ, suốt ngày đi đi về về Khương Đình- Bát Tràng. Tranh và không chỉ tranh, như vừa thấy, là góc để Nguyễn Huy Thiệp thỏa đam mê và thể hiện sự sâu sắc cùng óc hài hước.

Lâu không gặp, thấy tóc Nguyễn Huy Thiệp bạc nhiều. “Tóc bạc lại gặp má đào”- câu thơ của bạn già Bảo Sinh, có vẻ hợp tạng hóm ngầm của Thiệp nên ông mới chọn lia lên đĩa.

Trong sân vườn Trương Định nhà Bảo Sinh hôm ấy, có lúc micro nhà đài chĩa vào nhà văn lớn, ngõ hầu bắt đầu cuộc phỏng vấn về cuộc “triển lãm gốm”. Ông gạt đi: “Chẳng qua chơi, kiếm tiền ấy mà, nghệ thuật gì đâu”. Nhưng ông có bán chác mấy đâu. Có cái hòm giấy nhỏ, ai thả bao tiền tùy tâm. Về cuối buổi lại còn vừa bán vừa tặng, búa xua.

Một vị khách trẻ trung dốc cái túi đầy sách ra xin chữ ký nhà văn. Anh tên Hào, sưu tầm Nguyễn Huy Thiệp lâu lắm rồi- Những ngọn gió Hua Tát đời đầu chẳng hạn, giấy đen ngòm. Với sách, Nguyễn Huy Thiệp cũng vừa trân trọng vừa khinh bạc. Nghe ông đọc thơ Tagore, thơ Neruda, thấy trào dâng niềm yêu thơ, yêu văn học. Nhưng rồi ông quay phắt: Sách, kể cả của thế giới, rác rưởi là chính! Vừa nghe chuyện ông phóng tay tặng các nghệ sĩ nhà hát nọ chục triệu, cảm kích vì lao tâm khổ tứ dựng kịch Nhà Ô-sin của ông, hôm sau ông có vẻ đã chuyển quan tâm sang chuyện khác ngay rồi, quên luôn rồi.

“Tôi đã sống trên trung bình của thời đại tôi”- câu của J. Cousteau cũng được họa sĩ Thiệp cho lên đĩa. Không hiểu có liên quan gì đến tâm tư chủ nhân hay không.

MỚI - NÓNG