Theo Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 4/2023, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân được triển khai để thực hiện mục tiêu xây 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Mới đây, một ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng này, nâng tổng giá trị gói vay này lên 125.000 tỷ.
Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai, kết quả giải ngân gói tín dụng này vẫn rất thấp.
Gói tín dụng nhà ở xã hội giải ngân chậm. |
Với chủ đầu tư dự án mới giải ngân được 415 tỷ đồng tại 6 dự án, còn người mua nhà hơn 540 triệu đồng tại 2 dự án.
Nguyên nhân triển khai chậm, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Hiện mới có 28 tỉnh, thành công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Trong đó, các tỉnh tập trung công bố kể từ tháng 7/2023 đến nay. Tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn chương trình này.
Ngoài ra, một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, giải phóng mặt bằng, thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... Điều này dẫn tới các ngân hàng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án.
Về phía người mua nhà, vướng bởi quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng, lãi suất gói vay ưu đãi trên vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn.
Tại tọa đàm Gỡ khó nhà ở xã hội do báo Tiền Phong tổ chức mới đây, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - cho rằng, gói tín dụng 125.000 tỷ đồng bản chất vay thương mại, lãi suất thấp hơn (1,5- 2%/năm so với lãi suất vay thông thường).
“Gói này rất có lợi cho người mua cải tạo chung cư nhưng với người mua nhà ở xã hội mà 6 tháng điều chỉnh một lần nên người dân không yên tâm. Trong khi chủ đầu tư chỉ được vay 3 năm và điều chỉnh 6 tháng 1 lần”, ông Châu nói và đề nghị đối tượng người mua thương mại từ 3 tỷ đồng trở xuống được tiếp cận gói tín dụng này.
Ngoài ra, ông Châu cho rằng, hiện chủ đầu tư xây nhà ở xã hội đi vay không được thế chấp dự án mà phải thế chấp dự án khác là bất cập cần được các ngân hàng thương mại tháo gỡ.