Góc khuất Sài Gòn - Bài 2: Ẩn họa

Nạn nhân áo trắng bị các đối tượng dàn cảnh va chạm giao thông trên phố để trộm tài sản.
Nạn nhân áo trắng bị các đối tượng dàn cảnh va chạm giao thông trên phố để trộm tài sản.
TP - Bất chấp những nỗ lực phòng chống tội phạm được công an và các lực lượng triển khai đồng bộ, các loại hình tội phạm ngày càng thách thức và manh động. Nguồn cơn phát sinh tội phạm theo lực lượng chức năng là mảnh đất dung dưỡng nó chưa bị triệt tiêu, thu hẹp.

Bí ẩn “phù thủy” đường phố…

 Dù công an các quận, huyện khám phá, bắt giữ nhiều băng nhóm “phù thủy” đường phố, nhưng chúng vẫn hoạt động táo tợn, xem thường pháp luật, gây án khắp nơi. Khiến người dân ra đường luôn cảm thấy bất an.

Đa số các băng này đều xuất phát từ địa bàn quận 4, 8… Từ các băng nhóm bị bắt giữ cho thấy thủ đoạn của chúng tinh vi. Cụ thể mỗi sáng, các đối tượng trong băng nhóm liên lạc qua điện thoại, hẹn nhau ở tụ điểm cà phê nào đó. Tại đây, chúng phân công cho từng thành viên trong nhóm có những nhiệm vụ cụ thể khi gây án, như: Kẻ đóng vai dàn cảnh va chạm giao thông, kẻ giả vờ đưa chân vào bánh xe của nạn nhân tạo cảnh, kẻ tiếp cận gần để móc túi chiếm đoạt tài sản của nạn nhân, kẻ có nhiệm vụ cản địa cho đồng bọn tháo chạy khi nạn nhân hoặc người đi đường can thiệp, truy đuổi.

Nhận nhiệm vụ băng nhóm kéo đi trên nhiều xe gắn máy rảo quanh các quận, huyện. Khi xác định được con mồi là người đi trên phố có mang theo tài sản có giá trị, nhóm đối tượng chia nhau bám theo xung quanh nạn nhân và sau đó giở trò để thực hiện kịch bản. Đáng nói hành vi chung diễn ra ngay giữa ban ngày, đường phố đông người nhưng đa phần dân chúng không dám can thiệp vì kịch bản quá nhuyễn, như những tình huống đời thường.

Góc khuất Sài Gòn - Bài 2: Ẩn họa ảnh 1

 Bà Hồng “phù thủy” đường phố.

Nhiều năm qua từ các băng nhóm “phù thủy” đường phố sa lưới đã lộ diện người đàn bà bí ẩn có vai trò cầm đầu các băng nhóm, nhưng đến nay vẫn tinh vi, lọt lưới pháp luật. Nhiều băng nhóm bị bắt giữ khai báo rằng, vai trò cầm đầu, chỉ đạo chúng chính là một người đàn bà tên Hồng, không rõ lai lịch. Các đàn em của Hồng tiết lộ, bà này có kỹ năng quy tụ đàn em là những kẻ nghiện ngập, lang thang khi lê la ở quán cà phê tán chuyện, tạo cơ hội hành động. Những cuộc họp mặt băng nhóm chỉ diễn ra tại quán nên đàn em không ai hay biết về tên thật, tuổi tác, nơi cư ngụ của bà Hồng.

Khi dẫn đàn em đi thực hiện màn “ảo thuật” trên phố, bà Hồng chỉ lảng vảng bên ngoài. Khi băng nhóm hành động, bà Hồng âm thầm đeo bám theo sau như một người đi đường thông thường. Đàn em của Hồng sau đó tụ tập về một quán cà phê để ăn chia chiến lợi phẩm. “Bà trùm” chỉ gọi điện lãnh phần của mình. Do đó trong các cuộc bố ráp của lực lượng công an nhắm vào các băng nhóm “phù thủy” ngay sau khi chúng vừa gây án thì bà Hồng đều “ngoại phạm”. Và người đàn bà giấu mặt này lại lê la tụ tập một băng nhóm “phù thủy” khác tiếp tục gây án.

Hiện nay tại địa bàn TPHCM, vấn nạn trộm cắp và cướp giật vẫn đang nhức nhối, gây bất an cho lương dân, Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TPHCM xác nhận, các đối tượng cướp giật, trộm cắp hầu như tất cả là dân nghiện, thất nghiệp nên quy tụ nhau lại manh động… Còn đại tá Nguyễn Sỹ Quang - trưởng phòng tham mưu kiêm người phát ngôn công an TPHCM có nhận định rằng, nạn cướp giật, trộm cắp nằm chủ yếu trong số khoảng 20 ngàn người nghiện có địa chỉ cư trú tại TPHCM. Có thể nói, nguồn cơn tội phạm đang gây bất ổn ở địa bàn TPHCM hiện nay, đa số là xuất phát từ dân nghiệp ngập vô gia cư.

 Dư địa tội ác

 Vấn đề đau đầu hiện nay của các cơ quan chức năng đang tập trung phòng ngừa, đối phó đó chính là sự nhập cư của các băng nhóm gốc Bắc vào địa bàn. Những vụ thanh toán, giết người có tính chất băng nhóm diễn ra phức tạp và manh động.

Trong hội nghị giao ban lực lượng cảnh sát hình sự cả nước cách đây không lâu tại TPHCM, đại tá Lê Ngọc Phương - trưởng phòng cảnh sát hình sự, công an TPHCM cho biết, giang hồ các tỉnh thành phía Bắc vào TPHCM có cách thức hoạt động tinh vi, núp bóng dưới mác là tiệm cầm đồ, công ty đòi nợ thuê và tín dụng đen. Công an TPHCM luôn tập trung quan tâm đến các đối tượng nhập cư cộm cán này. Khi lực lượng chức năng ra quân, tổ chức cao điểm tấn công thì các băng nhóm giang hồ lại dạt về vùng ven ẩn náu chờ thời. Vị đại tá đứng đầu lực lượng cảnh sát hình sự của TPHCM quả quyết “Tất cả những đối tượng giang hồ, tội phạm chúng tôi đều nắm rõ hành tung khi đặt chân đến Sài thành”.

Công an TPHCM nhận định, TPHCM vẫn còn đó nguy cơ tiềm ẩn tội phạm. Theo tìm hiểu, hiện nay đa phần các băng nhóm tội phạm thường trá hình bằng mở các tiệm cầm đồ, các công ty cho vay nặng lãi, các công ty đòi nợ thuê… mà theo cục trưởng cục cảnh sát hình sự, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến là “phù thủy vận sơ-vin, tinh vi”.

Điển hình như công ty thu hồi nợ B. ở quận Bình Thạnh, hiện dính ít nhất đến 2 vụ đòi nợ sặc mùi xã hội đen. Các chủ nợ ủy quyền cho công ty này đòi nợ người khác bằng chiêu thức hù dọa, khóa trái cửa nhà, dọa giết… Dù các nhân viên công ty B. chưa có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng ranh giới phạm tội rất mong manh.

Góc khuất Sài Gòn - Bài 2: Ẩn họa ảnh 2

 Phiếu khám bệnh và gái bán thân bị ma cô hành hung.

Tiệm cầm đồ cũng là nguồn cơn ẩn náu tội phạm. Hàng loạt tụ điểm kinh doanh cầm đồ mà phòng cảnh sát hình sự, công an TPHCM phối hợp với công an các quận, huyện kiểm tra hành chính từ đầu năm đến nay đã khám phá là cả kho vũ khí, súng đạn. Minh chứng như tiệm cầm đồ Quỳnh Hồng ở đường Quang Trung, quận Gò Vấp mà công an mới đột kích đây, đã phát hiện có cả súng, đạn, lưu đạn, tuýp sắt, mã tấu tự chế…

Một cán bộ của đội phòng chống tội phạm có tổ chức thuộc phòng cảnh sát hình sự, công an TPHCM nhận định, hiện tại các băng nhóm ở miền Nam không có thế lực bằng các băng di cư từ miền Bắc vào. Theo sự phân tích của cán bộ này, các băng nhóm gốc Bắc quy tụ đông đảo thành viên, hành động và di động linh hoạt. Các nhóm hoạt động kín đáo, phần lớn thuê các căn hộ chung cư cao cấp để ẩn náu. Chúng chia địa bàn cụ thể và sẵn sàng huyết chiến với các băng nhóm khác, nếu đụng chạm vào quyền lợi, miếng ăn của chúng. Bên cạnh đó không ít băng nhóm hoạt động bảo kê rất nhiều loại hình kinh doanh, kể cả hoạt động mại dâm, vốn là thị trường béo bở của các băng nhóm miền Nam.

Đầu năm 2016 phòng cảnh sát hình sự đã triệt phá cùng lúc 3 băng nhóm gốc Bắc cùng tranh giành bảo kê khu phố mại dâm nam, đường Lý Thường Kiệt, quận 10. Nổi cộm trong đó là băng nhóm của Lộc “cá”, tức Phạm Xuân Lộc (SN 1981, ngụ Hải Phòng). Chính vì thị phần thu phí cắt cổ nhắm vào những trai bao hoạt động ở khu vực phố tây, khoảng 200 - 300 triệu đồng/tháng nên Lộc “cá” và các băng nhóm khác, sẵn sàng manh động đâm chém, giành giật nhau.

Rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn tội phạm khác đang diễn ra tại địa bàn TPHCM nên cuộc đấu tranh phòng ngừa các mầm mống tội phạm, đối với lực lượng công an TPHCM không dễ dàng.

Trung tướng Lê Đông Phong - giám đốc Công an TPHCM cho biết: “Chúng tôi đang triển khai đồng loạt nhiều biện pháp nghiệp vụ để tấn công quyết liệt, cương quyết đẩy lùi tội phạm. Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ, quan tâm của đông đảo nhân dân và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, về căn cơ, chúng tôi đang triển khai các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, nhắm vào các băng nhóm nghi vấn phạm tội, xử lý mạnh những tụ điểm là nơi tiêu thụ tài sản phạm pháp. Ngoài ra vấn đề cốt yếu là phát huy vai trò của cảnh sát khu vực, sâu sát hơn, bám dân hơn để quản lý địa bàn trong sạch, hiệu quả. Chúng tôi đang phấn đấu đảm bảo an ninh trật tự, đạt mục tiêu kéo giảm tội phạm bền vững để TPHCM là thành phố đáng sống, nghĩa tình…”.

MỚI - NÓNG