Góc khuất

Góc khuất
TP - Liên quan tới nghi vấn Tenma hối lộ hơn 5 tỷ đồng, thông tin từ  Bộ Tài chính  chiều qua 17/6 cho hay, thời hạn đình chỉ 15 ngày với các cán bộ có liên quan nay đã hết. Do đó, 11 cán bộ là lãnh đạo, công chức và viên chức của Cục Thuế Bắc Ninh, Cục Hải quan Bắc Ninh được phép trở lại công việc bình thường. 

Cũng theo một lãnh đạo ngành, hiện chưa có căn cứ nào để xác định vụ Tenma có thất thu thuế hay không, cũng như có hay không việc đưa hối lộ. Vì vậy, đang chờ ý kiến của các cơ quan thanh tra, điều tra có kết luận cuối cùng.

 Đa số thông tin bàn tán cũng cho rằng: ý kiến của các cán bộ thuế, hải quan không phải không có lý bởi công ty Nhật tại Việt Nam này thuộc diện doanh nghiệp FDI được miễn thuế từ 2008 bắt đầu hoạt động và đến 2015 mới phải chịu 15% thuế thu nhập doanh nghiệp, cho nên khó mà "tóm” họ với số tiền thuế khủng lên tới 420 tỷ như thông tin ban đầu.  

Trong ngày 17/6, tại buổi công bố về thuế của Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách Việt Nam (thuộc Đại học Kinh tế ĐHQG Hà Nội), đơn vị này đã chỉ ra một chi tiết đáng giật mình: Chính sách thuế sau nhiều năm liên tục làm tăng nguồn thu cho đất nước đã “lộ diện” một số bất cập. Cụ thể, trong khi người dân , doanh nghiệp nội “è cổ” gánh đủ loại thuế phí, thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại nhẹ nhõm bởi được ưu ái về  thuế.  Điều đó, theo các chuyên gia thể hiện sự chưa công bằng, chính xác. Đặc biệt, khi nhiều tập đoàn đầu tư vào Việt Nam có thể hưởng mức thuế suất 10%, bằng 1 nửa so với thuế suất phổ thông. Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã sử dụng chính sách thuế này để trốn, tránh thuế diễn ra từ lâu và phổ biến nhưng mới được điều tra từ năm 2010.

Bức tranh thu thuế của Việt Nam còn “lộ diện” thêm khi được chỉ ra  việc “móc ngoặc” giữa người thu thuế và người nộp thuế vẫn xảy ra khá thường xuyên và đây là một dạng của “tham nhũng” thuế. Trốn thuế, tránh thuế, chi qua thuế cũng là muôn kiểu được điểm danh làm “rơi rớt” tiền thuế của quốc gia  trong những năm qua. Theo nghiên cứu, ước tính trung bình trong giai đoạn 2013 - 2017, mức thuế thất thu do hành vi trốn và tránh thuế mỗi năm dao động trong khoảng 13.300 đến 20.700 tỷ đồng, tương đương 6,4% - 9,9% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Những con số này lớn gấp khoảng 3 - 4 lần con số vi phạm phát hiện hàng năm bởi các cơ quan quản lý. Trong đó, mức thất thu thuế mỗi năm từ khu vực FDI có thể lên tới 8.000 - 9.000 tỷ đồng, còn từ khu vực ngoài nhà nước có thể lên tới 10.500 tỷ đồng.

 Việt Nam là quốc gia có thu nhập còn thấp trong khi thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước. Không thể phủ nhận những năm qua ngành thuế  và Tài chính đang cố gắng, cập nhật chỉnh sửa chính sách theo lộ trình hội nhập. Nhưng như lời giới chuyên gia từng nói: Một nền tài chính quốc gia lành mạnh phải dựa chủ yếu vào nguồn thu từ nội bộ nền kinh tế quốc dân... Do đó thuế được coi là khoản thu quan trọng nhất vì khoản thu này mang tính chất ổn định và khi nền kinh tế càng phát triển thì khoản thu này càng tăng.

Từ diễn biến câu chuyện Tenma kể trên cùng với “góc khuất” trong bức tranh toàn cảnh về thuế, thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần rà soát nhận diện lại vấn đề một cách thấu đáo hơn. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài chúng ta cần ưu đãi, nhưng cũng nhớ kinh tế thị trường như hai mặt của một đồng xu, đồng tiền nào cũng có hai mặt “tốt - xấu”. Tốt nhất, xin đừng lơ là, bỏ sót!          

 
MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
TPO - Hà Nội lên tiếng hàng nghìn căn hộ sai phạm của 'đại gia điếu cày' chưa được cấp sổ; Bình Thuận chấp thuận đầu tư dự án bất động sản hơn 12.000 tỷ; Cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án Công viên Phùng Khoang; Chủ dự án sân golf Việt Yên bị phạt;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 13/12.