Lần leo cao nguyên Đồng Văn ấy với ông Vương Quỳnh Sơn, tôi đã được ngồi hầu chuyện người anh hùng ấy. Được nghe cả chuyện đứa con trai của Sùng Dúng Lù, chẳng có ai mối manh gì cả lại đem lòng say mê đứa con gái của viên tướng phỉ dạo nọ ông điệu cổ từ hang đá ra. Nói nhẹ nó cũng không nghe. Chửi mắng cũng không xong. Ông vác súng kíp đi rình suýt nữa bóp cò thẩy đạn vào đôi uyên ương ấy. Ông phi ngựa về Ủy ban tỉnh Hà Giang hỏi, con tao lấy con thằng phỉ có được không? Tỉnh “chỉ thị” cũng chỉ nước đôi. Người anh hùng không chịu, phóng thẳng về Hà Nội. Ở Hà Nội ông gặp rất nhiều người. Hà Nội coi ông là khách đặc biệt và nói với ông nhiều điều lắm. Rồi ông cũng thông cái tai, ưng cái bụng những điều về chính sách đoàn kết dân tộc xoá bỏ hận thù. Khi ấy ông đã có cháu đàn.
Rồi cây đại thụ đoàn kết Sùng Đại Dùng. Ông từng là Bí thư Đoàn thanh niên đầu tiên, chỉ huy hàng vạn thanh niên xung phong của 18 dân tộc thuộc 8 tỉnh, thành phá đá mở đường Hạnh Phúc (từ năm 1959 đến 1965) với hơn 2 triệu ngày công. Đại công trường này từng được nhà văn Nguyên Ngọc ví như một Kim tự tháp của Việt Nam! Ông Dùng sau đó là Chủ tịch UBND đầu tiên của huyện Mèo Vạc, từng 2 khóa làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang.
Có rất nhiều cán bộ dưới xuôi cũng như vùng dân tộc kinh qua những vị trí công tác ấy. Nhưng rất khó kiếm được một cán bộ có tư duy và phong cách lãnh đạo cũng như dân vận cực kỳ độc đáo. Trong một cuộc gặp dân Mông, có một quyết định ghi hẳn trong biên bản là tất cả mọi người có mặt góp lại, mỗi người một tháng tuổi để ông Sùng Đại Dùng có thời gian thêm 10 năm nữa làm… tiếp Chủ tịch Mặt trận!
Rồi câu chuyện dài dài với ông Vừ Mí Kẻ, Đại biểu Quốc hội, 5 khóa liền từng là Chủ tịch xã Sà Phìn, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang rồi Phó Chủ tịch Hà Tuyên. Chức sau cùng là Chủ tịch MTTQ tỉnh. Phải là dung lượng của một bộ phim dài hoặc cuốn sách thể loại nào đó tày tặn mới dung chứa được những chi tiết hoành tráng độc đáo của nhân vật này, một người con ưu tú của dân tộc Mông cao nguyên đá Hà Giang.
Từng làm giám mã cho thủ lĩnh vua Mèo Vương Chí Sình, tận mắt chứng kiến cảnh Hồ Chủ tịch làm lễ kết nghĩa anh em với vua Mèo. Tuy là giám mã nhưng thủ lĩnh Vương Chí Sình luôn coi cậu Vừ như người anh em thân thiết trong nhà. Cũng từ tình cảm đó Vừ Mí Kẻ đã thuyết phục được cụ Vương đem số tài sản khổng lồ (đã nói ở kỳ trước) để góp cho Tuần Lễ vàng. Số vàng bạc ấy, cũng chính Vương Chí Sình tin cẩn giao cho Vừ Mí Kẻ một mình một ngựa áp tải từ Đồng Văn về tận Hà Nội. Chuyến đi an toàn tuyệt đối!
Có lẽ hiếm hoi một cán bộ người Mông được Bác Hồ thân mời cơm tới hơn 10 lần. Ấn tượng lần ấy họp Quốc hội, Bác cho mời mấy đại biểu là người dân tộc vùng cao trong đó có Vừ Mí Kẻ ăn cơm cùng. Ăn xong Bác cùng các đại biểu lên xe vào một HTX ở Hà Tây tham quan bà con xã viên làm lúa nước. Vừ Mí Kẻ kinh ngạc khi thấy Bác bỏ dép cao su, xắn quần xuống cùng nông dân cấy lúa. Thì ra Bác luôn nói đi đôi với làm. Ông vẫn nhớ nhất câu nói của Bác với ông cũng như các đại biểu hôm đó rằng, cán bộ phải coi mình là đầy tớ của dân. Là đầy tớ thì phải khổ. Mình khổ thì dân mới được hạnh phúc.
Phương pháp tuyên truyền, vận động và nhiều ứng xử độc đáo trong công tác và sinh hoạt gọi là để đời của ông Vừ Mí Kẻ có lẽ luôn là những bài học quý giá đối với lớp cán bộ hậu thế không chỉ với người Mông mà cán bộ Hà Giang. Ông bộc bạch, nhờ Bác chỉ đường dẫn lối mà trong cả cuộc đời làm cách mạng cũng như làm lãnh đạo, ông đã không vướng phải những sai phạm, tì vết gì.
Bây giờ trên địa bàn cao nguyên đá và của Hà Giang, bao nhiêu cán bộ có năng lực và phẩm chất cùng tác phong lãnh đạo dân vận độc đáo mà mình chưa có may mắn được tiếp cận?
Lại nhớ chuyến ngược Đồng Văn năm ấy. Cố vấn đặc biệt Ban dân tộc chính phủ Vương Quỳnh Sơn và tôi được ông Chủ tịch Hà Giang Triệu Đức Thanh mời cơm. Bữa ăn có lẽ chỉ là cái cớ cho hai cán bộ dân tộc gộc một Tày một Mông của Hà Giang hàn huyên bày tỏ nhiều điều. Tôi hãy còn lử lả nôn nao qua một chặng đi dài vừa vào mâm đã chứng kiến hai ông đang chuyện say sưa. Dạo ấy đang có nạn truyền đạo Vàng Chứ. Bức xúc trước việc dân lúc thì rỉ rả lúc thì ồ ạt theo Vàng Chứ, ông Thanh cầm về nhà một cái băng cát-sét (không hiểu sao một số lượng rất lớn băng cát-sét ghi lại những lời đường mật khá lọt tai bà con người Mông cũng bằng tiếng Mông lại lọt vào nước ta và bằng cách nào, người ta lén lút truyền tay sang băng, bán vô khối?).
Ông Thanh bộc bạch: “Bảo nó giỏi cũng được mà ranh ma cũng được. Nó biết đánh vào tâm lý người Mèo. Không bao giờ lớn tiếng phách lối hoặc lộ liễu rằng người Mèo phải làm loạn phải chống lại chính quyền mà cứ nỉ non rỉ rả như làm sao mà người Mèo còn cực còn đói là bởi không nghe vua Vàng Chứ. Ông Thanh nói vừa buồn cười cho cái lập luận ngô nghê ấy nhưng cũng thầm... phục cung cách nói năng có vẻ như hợp với tâm lý người Mèo của các tác giả trong băng cát-sét kia. Ông chia ra từng đoạn - khúc nào cái cát-sét ấy nó “lý luận”. Đoạn nào nó hát, nó than thở.
Ông cũng dùng “lý luận” đập lại theo kiểu cái lý của người Mèo, tỷ như Đảng, Chính phủ đã lo cụ thể cho người Mèo những gì, trong thời điểm khốn khó cơ cực nhất của người Mèo (Pháp, Mỹ, Tưởng thống trị rồi nạn đói, nạn xâu xé quyền lực trong cộng đồng người Mèo...) thì ai đến với người Mèo ngoài Đảng, Nhà nước? Còn đoạn nó hát, nó than thở? Cũng thông thạo chút vốn liếng dân ca Mông, ông Thanh đã phổ lời mới cho những điệu hát cũ. Xong xuôi ông cho phổ biến rộng những băng cát - sét ấy về các vùng đang có nạn Vàng Chứ. Làm tuyên giáo theo kiểu mỳ ăn liền ấy không ngờ hiệu quả rất lớn. Sau được biết ông chủ tịch Thanh còn là người say mê sáng tác nhạc thơ. Ca khúc Quản Bạ quê tôi dân Hà Giang nghe nhiều mà ông là tác giả!
Phương pháp tuyên truyền, vận động và nhiều ứng xử độc đáo trong công tác và sinh hoạt gọi là để đời của ông Vừ Mí Kẻ có lẽ luôn là những bài học quý giá đối với lớp cán bộ hậu thế không chỉ với người Mông mà cán bộ Hà Giang. Ông bộc bạch, nhờ Bác chỉ đường dẫn lối mà trong cả cuộc đời làm cách mạng cũng như làm lãnh đạo, ông đã không vướng phải những sai phạm, tì vết gì.