Từ cuối năm 2022 tới nay, kinh tế khó khăn, DN luôn khát vốn để phục hồi, phát triển. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc một DN kinh doanh vật liệu xây dựng tại Thanh Hoá cho biết, từ đầu năm đến nay, tiêu thụ sản phẩm khó khăn dù DN đã hạ giá. Sản phẩm bị tồn kho nhiều.
“Cạn vốn, để duy trì sản xuất, tôi làm thủ tục vay vốn ngân hàng nhưng rất khó tiếp cận. Đơn hàng khan hiếm, dòng tiền về không đều khiến thủ tục vay ngân hàng gần như không được thông qua. Trong khi đó, nhiều khoản nợ dự án xây dựng cơ bản với địa phương chưa kịp thanh toán, DN chúng tôi rơi vào cảnh đói vốn’, ông Vinh chia sẻ.
Dự án Cầu Vàm Cái Sứt (Đồng Nai) chậm tiến độ. Ảnh: BĐN. |
Trong khi đó, còn gần 1 triệu tỷ đồng tiền ngân sách phải “đắp chiếu”. TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR - cho rằng: “Chậm giải ngân đầu tư công từ nhiều năm nay khiến cung tiền cho nền kinh tế ngày càng đi xuống. Trong lúc khó khăn, cung tiền phải tăng. Việc tồn đọng gần 1 triệu tỷ đồng phải gửi tại ngân hàng là biểu hiện bên ngoài của hạn chế thể chế. Nếu không giải quyết được việc chồng chéo, mâu thuẫn giữa văn bản pháp luật sẽ không giải quyết được tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công”.
Năm 2023, tổng vốn đầu tư công khoảng 700.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt gần 14,7% kế hoạch năm, chậm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, để giải quyết bài toán giải ngân đầu tư công, giải phóng lượng tiền “đắp chiếu” tại ngân hàng, việc đầu tiên, cơ quan chức năng cần làm là đẩy nhanh quy hoạch tại địa phương. Giải quyết được quy hoạch sẽ giúp dự án đầu tư công và chương trình mục tiêu quốc gia đẩy nhanh.
“Hệ thống pháp luật của chúng ta quá chồng chéo. Thời gian qua, việc phân cấp mạnh mẽ về địa phương cũng dẫn đến vấn đề. Địa phương được trao quyền nhưng không biết dùng quyền như thế nào đã làm chậm việc giải ngân nguồn vốn. Từng có tình trạng trục lợi chính sách ở địa phương và bị truy tố, dẫn đến tình trạng tâm lý không dám làm. Điều này cũng gây ra hệ lụy khiến thực thi dự án chậm trễ”, ông Việt nhìn nhận.
Để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, trong một nghiên cứu mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân kiến nghị, cơ quan chức năng cần có cơ chế và quy định pháp lý rõ ràng để cán bộ các cấp có thể thực hiện mà không lo bị phạm lỗi. Nhanh chóng ổn định nhân sự các địa phương để khâu tổ chức thực thi các chính sách cho DN không bị kéo dài thời gian. Các cơ quan trung ương, cơ quan hành pháp cần nhanh chóng họp cùng các bộ, sở, ban ngành và DN ở nhiều lĩnh vực, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc không chỉ của DN mà còn cả cán bộ công chức các bộ, sở, ban ngành đang mắc phải. Từ đó, giải quyết tình trạng cán bộ công chức nói “đứng trước hội đồng kỷ luật cơ quan chịu kỷ luật vì không hoàn thành nhiệm vụ còn hơn đứng trước tòa”.