Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa tổ chức Hội thảo khoa học và thực tiễn “Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động ở khu vực công sau tinh giản biên chế”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện doanh nghiệp.
Chuẩn bị tâm lí “chống sốc”
Từ trải nghiệm của bản thân, ông Bạch Ngọc Chiến, TGĐ Cty VOVINAM Digital cho biết, cuộc tinh gọn lần này là lớn nhất ở tất cả các cấp, thực sự áp dụng cơ chế thị trường trong thị trường một cách sòng phẳng. Đây là cơ hội để giữ chân và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bộ máy nhà nước.
Chuyển từ khu vực công ra làm việc tại khu vực tư, ông Chiến khẳng định, những người khu vực nhà nước có lợi thế tư duy hệ thống, quy trình, có thể tham gia đóng góp đối với khối tư nhân.
Người ở khu vực công chuyển sang tư nhân không quá khó, quan trọng là bản thân vượt qua được tâm lí sĩ diện. “Nếu không dọn dẹp được tâm lí này, khó có thể hòa nhập vào hệ thống kinh tế tư nhân”, ông Chiến nói.
![]() |
Ngày hội việc làm tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An |
TS. Doãn Hữu Tuệ - TGĐ Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt - chia sẻ từng làm việc tại Ngân hàng Nhà nước gần 20 năm, có giai đoạn là trưởng phòng. Năm 2011, ông Tuệ chuyển sang làm trợ lí cho tổng giám đốc một công ty về nông nghiệp. Ông cho rằng, việc lựa chọn vị trí trợ lí sau khi chuyển công tác là hết sức đúng đắn vì nó tạo cơ hội cho ông được nhìn nhận đánh giá toàn bộ hệ thống doanh nghiệp nhưng không phải chịu trách nhiệm của người điều hành.
“Khu vực công và khu vực tư khác nhau hoàn toàn và khác biệt nhất là vị thế của người lao động. Một người có chức vụ từ hệ thống công sẽ phải chuẩn bị tâm lí để vượt qua được rào cản tự tôn bản thân”, ông Tuệ chia sẻ.
Ông phân tích, người Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn luôn lấy người có địa vị ở cơ quan nhà nước ra làm gương, tôn vinh với dòng họ, xóm làng. Vấn đề này trở thành thói quen suy nghĩ của nhiều người dân, con cái sẽ định hướng vào nhà nước làm việc.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Các đại biểu thảo luận về cơ hội chuyển đổi việc làm từ khu vực công sang khu vực tư sau khi cải cách, tinh gọn bộ máy. |
Sống quen với môi trường được tôn vinh đó, khi chuyển ra khu vực tư nhân, chắc chắn sẽ sốc. Ông Tuệ cũng từng sốc khi giai đoạn đầu chuyển ra khu vực kinh tế tư nhân.
“Nếu cứ giữ thói quen đi đâu cũng được tiền hô hậu ủng, được giới thiệu trang trọng thì không làm được ở khối tư nhân. Tôi nói thật, ban đầu ra ngoài tôi cũng sốc. Bởi doanh nghiệp họ không cần biết mình có bằng cấp như thế nào, chức vụ trước đó ra sao, quan trọng nhất họ cần là đóng góp cho doanh nghiệp. Nhà nước thường đánh giá nhân sự theo cảm tính và định tính, doanh nghiệp đánh giá bằng định lượng, theo KPI”, ông Tuệ thẳng thắn.
Nắm bắt cơ hội
GS.TS Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV - cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chủ trương quan trọng nhằm cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả công việc trong hệ thống. Một trong những chiến lược quan trọng trong quá trình này là tinh giản biên chế, điều này đã tác động mạnh mẽ đến lực lượng lao động trong khu vực công.
Các cán bộ, công chức rời bỏ bộ máy nhà nước phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ trong việc chuyển đổi nghề nghiệp và thích nghi với thị trường lao động khu vực tư nhân. Trong bối cảnh đó, việc hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề nghiệp một cách hiệu quả và bền vững trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết.
![]() |
Theo GS.TS Lại Quốc Khánh, kết quả của hội thảo sẽ là điểm khởi đầu cho nhà trường trong việc xây dựng các chương trình nghiên cứu và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp ưu tiên, góp phần tăng cường uy tín của nhà trường và đóng góp cho quá trình quản lí và phát triển xã hội trong thời gian tới.
PGS.TS. Đỗ Hương Lan - Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lí, Trường ĐH KHXH&NV - khẳng định, chuyển đổi nghề không phải là mất mát, mà là cơ hội của người lao động. Viện Chính sách và Quản lí đã hợp tác với một số doanh nghiệp xây dựng và phát triển chương trình hỗ trợ người lao động với hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp (ROAD2NEXT).
Đây là một hệ sinh thái đa chiều, giúp người lao động khu vực công tái định vị bản thân, đánh thức những khả năng tiềm ẩn hoặc “ngủ quên” và vượt qua thách thức khi rời môi trường nhà nước.
Người lao động được tái đào tạo, nâng cao trình độ, kĩ năng mới phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động; tìm thấy các cơ hội phát triển nghề nghiệp mới và chuyển đổi nghề nghiệp thành công và bền vững phù hợp với năng lực cá nhân cũng như nhu cầu thị trường.