Giữ người, giữ việc thời khó

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đơn hàng giảm khiến việc làm của người lao động ở TPHCM bấp bênh. Thế nhưng, bằng tinh thần “tương thân tương ái”, doanh nghiệp - công nhân tựa vào nhau cùng vượt khó.

Tin vào tương lai

Trong căn phòng trọ nhỏ sau cầu Bà Tiếng (Hồ Học Lãm, quận Bình Tân), chị La Thị Hoài (37 tuổi, quê Nghệ An, công nhân may làm việc tại Cty TNHH Kyung Rhim Vina) đang lặt mớ rau muống, chuẩn bị bữa cơm chờ chồng đi làm thêm sắp về. Chị làm chúng tôi khá bất ngờ khi cho biết, hai vợ chồng đều có bằng tốt nghiệp đại học ngành Luật, nhưng cuối cùng đã chọn làm công nhân ở TPHCM mấy năm nay.

“Cuộc sống ở quê khó khăn nên chúng tôi quyết định Nam tiến. Năm 2019, đúng thời điểm dịch bệnh nên tìm việc rất khó. May mắn, tôi được Cty may tuyển dụng, chồng cũng được một Cty khác nhận. Nhờ vậy vợ chồng dần ổn định cuộc sống, có công việc tại miền đất mới” - chị Hoài nhớ lại.

Ngày 30/7, chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, Sở đang phối hợp với các quận, huyện để nắm bắt thông tin về “sức khỏe” DN. Với những DN có nhiều lao động nghỉ việc, Sở chỉ đạo trung tâm dịch vụ việc làm nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của DN, từ đó kết nối để người lao động và nhà tuyển dụng gặp gỡ.

Theo chị Hoài, khi hai vợ chồng đang bế tắc, Cty nhận vào tạo công ăn việc làm nên bây giờ Cty gặp khó, họ vẫn cố gắng bám trụ bằng cách tìm việc làm thêm. Chồng chị Hoài nhận thêm chân bốc dỡ hàng cho một Cty giao nhận. Nhờ vậy, vợ chồng công nhân này vẫn đủ chi phí nuôi 3 con ăn học, thuê trọ và chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Hoàn cảnh của vợ chồng chị Hoài cũng là của chung của rất nhiều gia đình công nhân ở khu vực phía Nam trong thời gian vừa qua. “Gần đây Cty tôi đã tăng ca thêm 1- 2 giờ đồng hồ mỗi ngày, thu nhập cũng ổn định hơn. Chúng tôi luôn cố gắng đồng hành vượt khó cùng doanh nghiệp (DN), hy vọng thời gian tới mọi chuyện sẽ tươi sáng hơn” - Chị La Thị Hoài chia sẻ.

Giữ người, giữ việc thời khó ảnh 1

LĐLĐ TPHCM tổ chức khám bệnh, chăm lo đời sống công nhân tại quận Bình Tân. Ảnh: U.P

Đồng hành với công nhân

Dù gặp khó khăn khi thiếu đơn hàng xuất khẩu nhưng Cty Top Royal Flash Việt Nam vẫn tìm mọi cách giữ lao động, thậm chí tuyển thêm lao động bị mất việc vào để đào tạo nghề. Bà Lê Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Công đoàn Cty Top Royal Flash Việt Nam tâm sự, đơn vị giảm lương của lãnh đạo, cán bộ công đoàn để bảo toàn phúc lợi cho người lao động. Hiện, công nhân có thu nhập trung bình từ 6-10 triệu đồng/tháng; ngoài ra còn được hỗ trợ tiền nhà trọ 200.000 đồng/tháng, xăng xe 50.000 đồng/tháng…

“Đơn hàng ít thì chúng ta có thể khai thác thêm thị trường ngách, tìm khách hàng mới. Nhưng thiếu công nhân, nhất là công nhân lành nghề thì rất khó tìm, điều này chúng tôi đã có kinh nghiệm nên bằng mọi giá đều phải giữ lao động” - bà Bích khẳng định.

Chia sẻ tình hình đơn hàng thời gian tới, ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH Pouyuen Việt Nam cho biết, vẫn còn rất khó khăn. Tuy nhiên Cty quyết định không tiếp tục thỏa thuận cắt giảm lao động.

“Thay vào đó, chúng tôi mở rất nhiều lớp học nghề miễn phí như điện lạnh, sửa xe máy, may thời trang, pha chế, làm đẹp… để công nhân có thêm nghề thứ 2. Sau khóa học, các bạn được cấp chứng chỉ của Trung tâm Đào tạo nghề quận Bình Tân để có thể làm thêm việc khác, tăng thu nhập cho cuộc sống” - ông Nghiệp bày tỏ.

Không chỉ chăm lo việc làm, công nhân còn được quan tâm đến sức khỏe. Ngày 29/7 vừa qua, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TPHCM cùng các đơn vị, Mạnh Thường Quân tổ chức ngày hội “Vì sức khỏe người lao động” lần 2 năm 2023. Chương trình đã khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho hơn 1.000 công nhân đang làm việc tại Cty Pouyuen. Bà Huỳnh Thị Ngọc Liên - Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ TPHCM cho biết, việc chăm lo sức khỏe người lao động chính là duy trì lực lượng lao động khỏe mạnh, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, góp phần xây dựng xã hội ổn định và phát triển.

“Việc thăm khám sức khỏe, phát hiện, phòng tránh các bệnh nghề nghiệp là việc làm cần thiết và quan trọng, quan tâm đến sức khỏe để người lao động đủ điều kiện về thể chất làm việc, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đóng góp cho sự phát triển của DN” - bà Liên nói.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.