Ngày 28/6, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức diễn đàn “Việc làm Số cho công nhân” và công bố chương trình “Cơ hội mới”.
Chương trình tập trung hỗ trợ công nhân bị thất nghiệp do ảnh hưởng COVID-19. |
Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc NIC - cho biết, chương trình "Cơ hội mới" ra đời trong bối cảnh quý I có hơn 880.000 người thiếu việc làm. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1 triệu người.
Nhiều doanh nghiệp như dệt may, da giày, điện - điện tử cắt giảm lao động. Một lượng công nhân bị thay đổi bởi máy móc, phải chuyển đổi nghề nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu về nguồn lao động có kỹ năng số ở Việt Nam rất lớn.
Chương trình tập trung hỗ trợ công nhân bị thất nghiệp do ảnh hưởng COVID-19, công nhân có nhiều khả năng bị thất nghiệp; tạo cơ hội cho họ tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn để nâng cao tay nghề, có thể thay đổi công việc tốt hơn cho nền kinh tế số.
“Cơ hội mới” đặt mục tiêu có 300 công nhân tham gia đào tạo (20% là nữ giới). Sau đào tạo, 50% có việc làm tốt hơn. Việc đào tạo được thực hiện trực tuyến, bảo đảm việc làm đầu ra phù hợp với trình độ, kỹ năng, độ tuổi.
Ông Đỗ Tuấn Hanh - Phó trưởng Ban Thanh niên, công nhân đô thị thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh - cho biết, công nhân mất việc là vấn đề lớn của xã hội. Phần lớn công nhân mất việc, giãn việc là thanh niên. Đây là bài toán lớn cho Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh khi xây dựng chương trình hỗ trợ, đồng hành với thanh niên trong phát triển kỹ năng, việc làm.
Bà Nguyễn Thị Nga - Chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới (WB) - nhận định, tốc độ già đi của dân số Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất toàn cầu, đặt ra những thách thức liên quan đến nguồn cung lao động, năng suất, cũng như đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động. Đại dịch COVID-19 kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng của các công việc cơ bản trong lĩnh vực nông nghiệp, và sụt giảm đáng kể đối với công việc có kỹ năng trung bình, không phù hợp làm việc từ xa, như công nhân xây dựng…
Nhiều kỹ năng công nghệ tại Việt Nam đang thấp hơn mức trung bình toàn cầu, như kỹ năng kinh doanh tổng quát (quảng cáo, kiến trúc, điện tử). Trong khi đó, các công việc yêu cầu sử dụng máy tính ở mức độ cao tăng nhanh. Các công việc đang phát triển mạnh cũng có xu hướng yêu cầu sử dụng máy tính cao hơn.
Bà Nga khuyến nghị, Việt Nam cần cải thiện khả năng tiếp cận thông tin về các ngành nghề đang phát triển cho sinh viên, người tìm việc, cập nhật danh sách các ngành nghề đang phát triển và theo dõi xu hướng thị trường hàng năm, khảo sát doanh nghiệp để đảm bảo điều chỉnh kịp thời các chiến lược hình thành kỹ năng và dịch vụ hỗ trợ việc làm.