Giữ gìn hình ảnh

Giữ gìn hình ảnh
TP - Mấy ngày nay, báo chí thế giới tha hồ múa bút với một tin “vừa quan trọng, vừa câu khách”: sếp đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss Kahn (DSK, như báo chí vẫn gọi tắt tên ông), người Pháp, bị bắt giữ tại Mỹ vì liên quan cáo buộc cưỡng dâm một nữ hầu phòng khách sạn.

Dù “mê gái đã trở thành văn hóa dân gian” tại Pháp như chính người Pháp thừa nhận, dù dân Pháp ít nhiều thoáng hơn với đời sống riêng tư, cụ thể là chuyện sinh hoạt tình dục của chính trị gia, nhiều nhà phân tích, nhiều tờ báo trên thế giới đã thốt lên: “Thôi rồi, Dominique ơi”.

Cái “thôi rồi” ở đây là sự nghiệp chính trị đang lên như diều gặp gió của ngài giáo sư kinh tế, cựu bộ trưởng Tài chính Pháp. Có vẻ như sau tai tiếng này, dù chưa rõ ông Tổng giám đốc IMF có thực sự không kiềm chế nổi bản thân để rồi làm bậy hay không, DSK dường như đã bị đối thủ chính trị số một, đương kim tổng thống Nicolas Sarkozy cho “ngửi khói” trong cuộc đua đến chiếc ghế tổng thống Pháp nhiệm kỳ tới.

Vì dù chưa rõ chuyện cưỡng dâm lần này có phải là một cái bẫy được các đối thủ chính trị giăng sẵn để đưa DSK vào tròng, nhưng ngài Tổng giám đốc IMF đã từng có “tiền sự” ít nhất là hai lần bày tỏ thái độ “ngưỡng mộ” thái quá đối với những phụ nữ không phải vợ ông. Và chẳng phải ngẫu nhiên mà tờ New York Times, chưa thèm biết đầu cua tai nheo ra sao đã lớn tiếng gọi DSK là “Gã hư hỏng”.

Có gì đó hơi đáng tiếc cho DSK, vì những dấu ấn ông tạo ra trong chính trường Pháp trên cương vị bộ trưởng và đối với IMF, định chế tài chính lớn nhất nhì thế giới, là rất rõ ràng. DSK được cho là có công lớn trong việc giúp nước Pháp trụ vững và vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Khi quay sang lãnh đạo IMF, ông đã làm thay đổi bộ mặt của định chế tài chính khổng lồ này, từ vai trò cảnh sát tài chính -tiền tệ quốc tế với thói quen can dự vào nền tài chính các quốc gia lệ thuộc chuyển sang làm bà đỡ, thầy thuốc, góp phần bắt mạch, chữa trị những căn bệnh của nền tài chính- tiền tệ thế giới.

Rồi đây, chưa rõ ông Kahn có phải ngồi tù hay không, nhưng hình ảnh của ông đã bị hoen ố. Đây là hệ quả tất yếu của việc không giữ gìn hình ảnh, khi đã là người của công chúng. Một diễn viên, một sỹ quan cảnh sát, một quan chức, thậm chí một giáo viên, đều được xem là người của công chúng vì hành vi, hình ảnh của họ ảnh hưởng tới nhiều người.

Có thể thông cảm, dù nghề nghiệp gì thì họ vẫn là con người, vẫn có đủ hỷ, nộ, ái, ố... Nhưng nếu đã mưu cầu danh tiếng thì phải chấp nhận một mức độ khắt khe hơn với bản thân. Nếu đã là diễn viên “thần tượng” của nhiều bạn trẻ, là quan chức nhà nước, là cảnh sát hay giáo viên... thì không thể cẩu thả với hành vi của mình: đã hóa thân vào các vai thánh thiện thì đừng để xảy ra những scandal “lộ hàng”, lộ clip sex; đã giữ vẻ đạo mạo nơi công đường, chốn bục giảng thì đừng nên có mặt ở quán bia ôm, đèn mờ, để rồi hôm sau lại tiếp tục những bài giảng đạo đức.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG