Những năm gần đây, chỗ học ở các trường ngoài công lập đã không còn rộng rãi như trước. Đa số các trường đều quy định mức điểm đầu vào cho một số môn chính như toán, lý, hóa, văn, tiếng Anh khá cao. Vì vậy, những học sinh có điểm số năm học vừa rồi dưới 6,5 sẽ gặp khó khăn khi tìm trường, phụ huynh phải đến sớm, gửi gắm, chầu chực mới có được một chỗ học cho con.
Căng thẳng đầu vào
Tại Trường tư thục Trương Vĩnh Ký (Q.11, TP.HCM), từ ngày 30-5 trường đã bố trí năm bàn cùng nhân viên tư vấn tuyển sinh nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trường. Đến tìm hiểu thông tin cho con, chị Khánh, phụ huynh ở Đà Nẵng, có con vừa hoàn thành lớp 10, cho biết: “Trường yêu cầu môn toán, lý phải đạt trên 7 điểm, Anh văn phải trên 6,5 điểm. Môn toán và vật lý cháu không đạt nên chưa nộp hồ sơ được. Gia đình cũng đi một số trường ở Q.Tân Bình nhưng không đạt được yêu cầu tuyển sinh của trường”.
Tương tự, từ cuối tháng 5 phụ huynh có ý định cho con vào Trường tư thục Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã chầu chực trước cơ sở 1 của trường để chờ nộp hồ sơ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh xem thông báo của trường chỉ biết lắc đầu quay về vì không đạt được điều kiện tuyển sinh. Năm nay chỉ những học sinh giỏi ba, bốn năm liền mới được ưu tiên, điểm trung bình các môn toán, lý, hóa phải trên 7 hoặc trên 8 điểm (tùy khối lớp) mới có cơ hội vào trường.
Trường tư thục Đức Trí (Q.7, TP.HCM) cũng yêu cầu học sinh nộp hồ sơ phải đạt loại khá trở lên, với điểm văn trên 6, điểm toán trên 7 (riêng khối 11 môn toán phải trên 7,5 và khối 6 trên 8 điểm). Các khối đầu cấp nhà trường còn xét thêm điểm khảo sát khóa hè của trường. Bên cạnh yêu cầu về điểm số, hạnh kiểm tốt là điều kiện quan trọng để được nhận vào các trường này.
Đặc biệt, nhiều trường rất ngại nhận học sinh khối 12 do lo lắng những học sinh mới sẽ mất nhiều thời gian để quen với nề nếp nhà trường, trong khi phải tập trung cho hai kỳ thi quan trọng là thi tốt nghiệp và đại học. Một số trường có nhận rải rác học sinh khối 12 song chỉ nhận những học sinh khá, giỏi để đảm bảo tỉ lệ tốt nghiệp cao. Vì thế, cơ hội tìm chỗ học cho học sinh khối 12 khá hiếm hoi.
Học “dự bị” trong hè
Điều kiện tuyển sinh gắt gao như vậy nên hiệu trưởng một trường tư thục cho biết: “Mới đầu tháng 5 đã có nhiều hồ sơ thuộc dạng quen biết giới thiệu, gửi gắm để giữ chỗ mặc dù không đáp ứng đủ điều kiện vào trường. Năm nào ban giám hiệu cũng đau đầu với các trường hợp này”.
Hiệu trưởng này cho biết với những trường hợp như vậy, nhà trường buộc phải lựa chọn kỹ và bắt phụ huynh cam kết sẽ hợp tác với nhà trường trong việc đảm bảo kết quả học tập và rèn luyện đạo đức của con mình, không để ảnh hưởng đến kết quả của nhà trường.
Bên cạnh đó, học sinh nhập học tại các trường này buộc phải tham gia khóa học hè của trường để làm quen và chuẩn bị tinh thần cho năm học mới chính thức bắt đầu vào khoảng đầu tháng 8.
Ở Trường tư thục Trương Vĩnh Ký, khóa học hè sẽ bắt đầu ngày 4-7 dành cho toàn bộ học sinh của trường. Ở một trường tư thục Q.Tân Bình, những học sinh đang học tại trường nếu muốn giữ chỗ cho năm học tiếp theo phải học hè và đóng trước học phí tháng 8 - tháng bắt đầu lịch học chính thức.
Trường tư thục Nguyễn Khuyến thông báo nhận tất cả hồ sơ xin học hè của học sinh không kèm phí, nhưng sau hai ngày xét duyệt trường mới niêm yết danh sách học sinh trúng sơ tuyển khóa hè. Sau khóa học hè, chỉ những học sinh được đánh giá tốt, quen với nề nếp, có tiến bộ, nhà trường mới chính thức nhận hồ sơ. Ở một số trường, học sinh khối 12 phải đi học suốt hè.
Học phí tăng 20-30% Năm nay nhà trường tăng 20% học phí và các khoản sinh hoạt phí cũng là mức tăng tối thiểu để đảm bảo hoạt động vì tình hình giá cả biến động quá nhiều”, hiệu trưởng một trường tư thục cho hay. Năm nay chi phí cho một học sinh học nội trú ở bậc THPT ở hệ thống Trường Quốc văn Sài Gòn khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản cơ sở vật chất, đưa rước. Học phí Trường tư thục Trương Vĩnh Ký khoảng 8,5 triệu đồng/tháng chưa kể cơ sở vật chất, đưa rước... Một số trường tư thục ở Tân Bình cho biết mức tăng học phí sẽ từ 20-30%. |
Theo Lưu Trang
Tuổi trẻ