Cho đến trước đêm chung kết xếp hạng, có thể thấy cán cân hơi nghiêng về Ali Hoàng Dương. Trước hết thí sinh này thuộc dạng có thực lực, cũng là một giọng lạ khi có thể phát được những thanh âm như rocker ở quãng cao. Anh cũng được đánh giá cao ở tinh thần quyết tâm và cầu thị. Ali từng thi The Voice 2015 nhưng chưa thành công.
Nhưng cũng phải tính đến chuyện Ali là học trò của Thu Minh. Với khả năng chuyên môn, bề dày thành tích cũng như kinh nghiệm huấn luyện thí sinh, rõ ràng các HLV còn lại không phải đối thủ của Thu Minh. Ngoài ra lượng fan đông đảo của Thu Minh chắc cũng dồn thêm phiếu cho Ali Hoàng Dương.
Những phần dự thi của Ali Hoàng Dương tại đêm chung kết xếp hạng cũng cho thấy có sự đầu tư nhỉnh hơn so với đối thủ. Bài hát đơn do chính giám đốc âm nhạc của Giọng hát Việt 2017 Hồ Hoài Anh sáng tác, với sự trợ giúp của NSND Thanh Hoài. Giọng chèo và giọng rock đặt cạnh nhau trong phần vocal càng làm nổi bật chất giọng của Ali. Có thể nói đây là phần trình diễn ấn tượng nhất trong đêm chung kết.
Tuy nhiên không thể nói các thí sinh còn lại kém hơn hẳn. Mà rất có thể do họ thiếu may mắn không hội đủ các yếu tố. Điều khá bất ngờ là Hiền Hồ- thí sinh có thanh sắc nổi bật của đêm chung kết cán đích với kết quả bình chọn thấp nhất từ khán giả, chỉ 8,5%. Hai vị trí cao nhất về bình chọn về tay 2 thí sinh được xem là hot-boy của cuộc thi. Có ý kiến cho rằng đối tượng khán giả nhiệt tình nhắn tin bình chọn hơn thường thuộc phái nữ và họ đương nhiên có cảm tình với giai đẹp nhiều hơn. Hiền Hồ có sự tiến bộ so với khi mới xuất hiện trên sân khấu Giọng hát Việt nhưng có vẻ vẫn chưa đủ. Dường như cô còn có những khả năng trong giọng hát và trình diễn còn chưa được khai phá hết.
Giọng hát Việt ngay từ khi mở màn đã vấp phải những chỉ trích do lựa chọn HLV chưa xứng tầm về tài năng cũng như uy tín nghề nghiệp. Trường hợp thí sinh hát hay hơn giám khảo không phải là hiếm ở lần thi này. Chính vì thế nhiều khán giả tò mò không biết một số giám khảo sẽ có cách gì để không bị lép vế khi buộc phải song ca với thí sinh trong đêm chung kết.
Kết quả là Đông Nhi khôn khéo làm dày giọng bằng kỹ xảo mix tại chỗ, đem lại hiệu quả ca sĩ như đang song ca với chính mình. Tương tự thí sinh của cô Anh Tú cũng phải hát với kỹ xảo này. Cách làm này thường được sử dụng trong trình diễn nhạc dance giúp ca sĩ khỏa lấp những hạn chế của giọng hát để còn nhảy. Nhưng khi cần trình diễn khoe giọng với thí sinh thì cách này quá an toàn và cũng không hợp lý. Vì đã có đối tác thì việc gì còn phải “song ca với chính mình”?! Bên cạnh đó tiết mục song ca của cô trò Đông Nhi cũng dùng nhiều thủ pháp dàn dựng sân khấu, vũ đạo… để khán giả bớt tập trung vào giọng hát.
Các HLV còn lại không ngại khoe giọng mộc cùng thí sinh của mình. Trong đó Noo Phước Thịnh phải nói là dũng cảm nhất khi không ngại thể hiện sự chông chênh và cách phát âm lai Tây khi hát Một mình (Thanh Tùng) cùng 2 học trò. Tựu trung lại, đêm chung kết xếp hạng Giọng hát Việt- cũng là đêm ghi hình trực tiếp duy nhất của kỳ thi này- được dàn dựng tròn trịa về nhiều mặt. Tuy nhiên không có gì kịch tính, do kết quả không nằm ngoài dự đoán.
Đêm thi mang tính chất trình diễn chủ yếu với chất nhạc thời trang, dễ dẫn đến sự đơn điệu về màu sắc âm nhạc. Như giám đốc âm nhạc của chương trình khẳng định ngay từ đầu sẽ không để dòng nhạc bolero xuất hiện trong chương trình.
Ngoài ra, dòng nhạc dân gian đương đại- vốn là đất tốt cho các thí sinh gây ấn tượng cũng không được sử dụng cho đêm chung kết. Có thể thấy hầu hết các thí sinh tham gia thi mùa này đều đi theo hướng Tây hóa triệt để, nên màu sắc dân gian trong giọng hát nếu có cũng đã bị triệt tiêu.