Từ 13h16 phút, hiện tượng nhật thực một phần bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội. Tại các điểm quan sát như Công viên Hòa Bình (đường Phạm Văn Đồng), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (18B Hoàng Quốc Việt), những người yêu thiên văn nín thở tập trung quan sát. Người thì trực tiếp ngắm Mặt trời qua kính chuyên dụng, người xem gián tiếp qua màn hình.
Từ sau 14h, hiện tượng "Mặt trăng ăn Mặt trời" mới dần thể hiện rõ. Công viên Hòa Bình càng lúc càng rộn lên tiếng reo hân hoan của cả trẻ con lẫn người lớn khi bóng đen của Mặt trăng ngày càng đè lên vành sáng của Mặt trời.
Tại địa điểm trên, Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội chuẩn bị 5 kính thiên văn chuyên nghiệp để phục vụ miễn phí cho người quan sát nhật thực. Anh Nguyễn Tất Doanh, hội viên 6 năm, cho biết: "Hội mất 1 tháng để tìm địa điểm và chuẩn bị cho sự kiện hiếm có này. Mục tiêu sự kiện là nâng cao sự hiểu biết, tinh thần yêu thiên văn của mọi người, đặc biệt là các bạn nhỏ".
Ảnh tại Hà Nội
Còn tại điểm quan sát 18B Hoàng Quốc Việt (USTH), từ 12h30 đã có hàng trăm người tụ tập để chờ đợi quan sát hiện tượng kỳ thú này. Mọi người được tổ chức thành từng nhóm để nhận kính chuyên dụng. Nếu không muốn đeo kính, họ có thể theo dõi nhật thực qua một màn hình có kết nối với kính thiên văn.
Nói về sự kiện này, PGS.TS Ngô Đức Thành, Trưởng khoa Vũ trụ và Ứng dụng của USTH, cho biết: "Đây chắc chắn là trải nghiệm lý thú mà những người yêu thiên văn không thể bỏ qua, vì chúng ta sẽ phải chờ đợi 11 năm nữa mới có thể quan sát hiện tượng nhật thực đúng nghĩa này tại Hà Nội".
Một điểm quan sát nhật thực khác là Trường Tiểu học Ban Mai (Văn Quán, Hà Đông). Thầy cô ở đây xem sự kiện này là cơ hội trải nghiệm thú vị cho học sinh, cơ hội để thầy cô truyền thụ kiến thức vật lý, thiên văn một cách trực tiếp theo đúng tinh thần giáo dục STEM. Do đó, dù là ngày nghỉ, thầy trò Tiểu học Ban Mai vẫn có mặt từ sớm để ngắm nhật thực trực tiếp ngay tại trường, ử dụng hiểu biết về nhật thực và cách quan sát an toàn được thầy cô cung cấp trước đó.
Tại Đà Nẵng, Câu lạc bộ thiên văn học Đà Nẵng tổ chức quan sát nhật thực từ 13h-16h ngày 21/6 tại Công viên Biển Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
Tại TPHCM, Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức quan sát tập trung Nhật thực một phần và tiến hành hai thực nghiệm bên dưới tại bến Bạch Đằng, Quận 1, từ 11h30 tới 15h00 ngày 21/06/2020.
Lần nhật thực này có vùng quan sát rộng lớn kéo dài từ khu vực châu Phi tới cả các quốc gia thuộc khu vực châu Á.
Hiện tượng này có thể quan sát tại các quốc gia gồm Cộng hòa Trung phi, Ethiopia, phía nam Pakistan, phía bắc Ấn Độ và một phần Trung Quốc.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia có thể quan sát được nhật thực một phần với vùng che phủ đáng chú ý. Theo đó, người dân tại Hà Nội có thể quan sát nhật thực một phần với độ che phủ lên tới 77%. Tỷ lệ này sẽ giảm dần khi đi xuống các tỉnh phía nam.