Giới trẻ đang mất cân bằng cuộc sống?

Giới trẻ đang mất cân bằng cuộc sống?
Nhiều bạn trẻ mải mê với công việc, học hành, để rồi không còn thời gian dành riêng cho bản thân, bạn bè, gia đình…

Mới bước vào năm cuối Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhưng Bùi Thị Lan đã được tuyển dụng vào một công ty đa quốc gia có trụ sở tại TP.HCM với một công việc bán thời gian. Không những thế, Lan còn tham gia một nhóm bạn bán quần áo qua mạng.

Vừa đi học, vừa đi làm, một ngày của Lan gần như kín mít từ 7 giờ sáng cho tới nửa đêm với những hoạt động đến trường, đến công ty, đi giao hàng, làm tiểu luận, viết dự án… Có hôm, Lan phải làm việc đến 1, 2 giờ đêm.

Lan cho biết: “Sở dĩ mình ôm đồm như vậy là vì mình muốn làm việc để có thu nhập và có thêm kinh nghiệm. Hầu như một tuần của mình không có thời gian để la cà quán cà phê hay đi xem phim như nhiều bạn trong lớp. Biết sao được, vì mọi thứ cứ cuốn mình vào guồng quay của nó, không thể dừng lại”.

Trong một hoàn cảnh khác, Hoàng Lệ Thu từng tốt nghiệp loại giỏi, làm việc cho một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có tiếng, thu nhập hằng tháng của Thu khoảng 25 triệu đồng. Thế nhưng, cô không có một khoảng thời gian trống nào dành cho riêng mình. Tất cả chỉ có công việc và công việc, từ sáng cho tới đêm.

“Nhiều lúc nhìn lại, mình tự hỏi kiếm được nhiều tiền để làm gì khi thời gian đi mua một chiếc váy đẹp cũng không có, một giấc ngủ ngon cũng không. Hẹn hò anh nào, anh nấy chạy mất tiêu chỉ vì đang cùng nhau xem phim cũng phải lật đật chạy về công ty giải quyết công việc. Khi được dẫn đến nhà chào hỏi mẹ chồng tương lai, đang gay cấn thì đối tác điện thoại bảo phải gặp gấp để thảo luận hợp đồng. Vậy là mất điểm, vì bên nhà người yêu nghĩ nếu thế thì sau này làm sao chăm lo cho con cái, tổ ấm…”.

Với áp lực về chuyện học để có được kết quả tốt, hoặc chuyện phải kiếm được thật nhiều tiền, không ít người trẻ đang sử dụng một cách mất cân đối quỹ thời gian của mình. Hậu quả xấu có thể không đến ngay mà sẽ ảnh hưởng về lâu về dài.

Hoạch định thời gian hợp lý

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn Ý tưởng Việt, nhận định: “Nếu để tình trạng mất cân bằng này diễn ra quá lâu, bạn trẻ sẽ bị rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, suy sụp. Không những thế, một khi ôm đồm quá nhiều công việc, đóng quá nhiều vai trò thì không có việc nào thành công cả”.

Từ đó, bà Mỹ Hạnh đưa ra lời khuyên bạn trẻ phải học kỹ năng quản lý thời gian, quản lý bản thân. “Bạn phải đưa ra mục tiêu cho từng công việc. Sau đó phân chia công việc theo thứ hạng quan trọng, cái nào quan trọng nhất thì tập trung nhiều thời gian hơn cả. Trong một ngày, bạn phải biết việc nào cần làm trước, việc nào làm sau.

Tránh tình trạng mỗi thứ làm một tí rồi dang dở, vai trò nào cũng không hoàn thành tốt”, bà Mỹ Hạnh nói. Ngoài ra, mỗi người cần phải dành thời gian chăm sóc bản thân, thư giãn thì cơ thể và tinh thần mới có đủ năng lượng để tiếp tục công việc.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng để có cuộc sống cân bằng, một ngày có 24 tiếng thì nên phân bổ thời gian ra làm 3: một cho công việc, một cho bản thân, gia đình và các mối quan hệ, phần còn lại là ngủ nghỉ. “Cần mở rộng trải nghiệm của bản thân, khám phá các ngõ ngách trong cuộc sống, chơi thể thao, coi phim, gặp gỡ bạn bè, dành thời gian cho gia đình…”, thạc sĩ Hiếu lưu ý.

Theo Thanh niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG