Ấn Độ ghi nhận những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên nhiễm biến thể BA.2.75 (Ảnh: DW) |
Theo DW, các quốc gia nơi đã ghi nhận biến thể BA.2.75 bao gồm Ấn Độ, Úc, Đức, Anh, Canada, Mỹ, Nhật Bản, New Zealand...
Một số chuyên gia nhận định BA.2.75 có khả năng sẽ cạnh tranh với các dòng biến thể phụ khác của Omicron là BA.4 và BA.5 - 2 dòng phụ đã trở thành biến thể trội ở Mỹ, Anh, Đức, Pháp hồi cuối tháng 6.
Trong một cuộc họp về biến thể mới vào cuối tuần trước, các nhà khoa học của Hiệp hội Nghiên cứu Gien SARS-CoV-2 (INSACOG) của Ấn Độ viện dẫn dữ liệu ban đầu cho thấy BA.2.75 có thể gây bệnh ít nghiêm trọng hơn. Hầu hết những người nhiễm loại biến thể này không có triệu chứng hoặc bị nhẹ.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu sâu hơn để xác định xem BA.2.75 có thực sự gây bệnh nhẹ hơn hay không, và liệu nó có phải là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca COVID-19 mà Ấn Độ đang phải đối mặt hay không.
Bà Soumya Swaminathan - chuyên gia WHO khuyến cáo các quốc gia nên theo dõi chặt chẽ BA.2.75 vì hiện chưa thu thập đủ mẫu bệnh trên toàn cầu để phân tích mức độ nghiêm trọng của nó.
Theo Ulrich Elling, một trưởng nhóm tại Viện Công nghệ Sinh học Phân tử thuộc Học viện Khoa học Áo, protein gai của BA.2.75 có 8 đột biến so với biến thể phụ BA.2 (cùng thuộc dòng Omicron). BA.2.75 được gọi là biến thể "thế hệ 2" vì nó phát triển từ BA.2.
"Hiện có rất ít dữ liệu về biến thể này. Nhưng nó có một vài thuộc tính khiến chúng tôi phải chú ý", Elling nói.
Vị trí các đột biến của BA.2.75 khiến giới khoa học lo ngại rằng biến thể này có thể thoát khỏi khả năng miễn dịch ở những người từng nhiễm BA.2. Nói cách khác, một người từng nhiễm BA.2 có thể tái mắc COVID-19 nếu họ tiếp xúc với BA.2.75. Trên thực tế, BA.2.75 đã xuất hiện ở khắp Ấn Độ dù quốc gia này từng trải qua làn sóng BA.2.