Giờ giảng không 'diễn'

Cô Trần Thị Ngọc Khánh với tiết dạy của mình
Cô Trần Thị Ngọc Khánh với tiết dạy của mình
TPO - Thi giáo viên dạy giỏi là nỗi ám ảnh của rất nhiều giáo viên. Một giáo viên đi thi, cả tổ, hay thậm chí cả trường phải chuẩn bị. Một giờ dạy không diễn liệu có được không?

Lớp 6A4, trường THCS Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội buổi sáng ấy giống như tất cả các giờ học mọi ngày. Học sinh, giáo viên cùng triển khai tiết học Địa lý với bài học tác động của nội lực và ngoại lực trong việc hình thành địa hình bề mặt trái đất.

Cô Trần Thị Ngọc Khánh, giáo viên dạy Địa lý của trường sau khi nêu khái niệm, yêu cầu học sinh chia nhóm để thảo luận. Những vấn đề của bài học được rút ra và giáo viên tổng kết lại. Trong quá trình dạy, cô Ngọc Khánh yêu cầu học sinh đưa ra những nhận định, lý giải của mình. Có học sinh trả lời được nhưng cũng có những học sinh đưa ra những nhận định còn khá ngô nghê, cảm quan như: Địa hình bị đứt gãy là một đường đang thẳng bị cắt đứt ra...

Nhưng tiết học ấy khác mọi ngày. Vì đây là tiết dạy thi giáo viên dạy giỏi cấp quận. Cô Trần Thị Ngọc Khánh cho biết năm nay thi giáo viên dạy giỏi phòng giáo dục cho giáo viên đúng 1 ngày để chuẩn bị. Năm ngoái, cô không dự thi nhưng giáo viên khác của trường được bốc thăm bài dạy trước 1 tuần, thời gian không gấp gáp như năm nay.

“Đây là lần thứ 2 em dạy tiết học này. Trong đó, một lần để mọi người góp ý về phương pháp. Lần thứ hai là chính thức dạy dự thi” – cô Khánh nói. Cô cũng khẳng định học sinh của lớp cũng chưa được học bài này.

“Thực sự thì cũng hơi gấp gáp vì phải chuẩn bị nhiều thứ. Thí nghiệm về núi lửa phun trào hôm nay không thành công. So với các giờ dạy bình thường trên lớp chỉ chuẩn bị kỹ hơn một chút, chu đáo hơn một chút mà thôi” – Cô Trần Thị Ngọc Khánh cho hay. Cô cho biết, đây là lần thứ ba cô tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp quận. Những lần trước, thời gian chuẩn bị rất dài nên cả tổ chuyên môn cùng chuẩn bị, tốn nhiều công sức.

Tham dự tiết giảng của cô Trần Thị Ngọc Khánh, ông Lê Hồng Vũ, trưởng phòng giáo dục quận Tây Hồ khẳng định có thể thấy tiết giảng đã phần nào đáp ứng được chủ trương của phòng giáo dục là không diễn. Bằng chứng là có những học sinh trả lời đúng, nhưng cũng có học sinh trả lời rất ngô nghê. Đó chính là do học sinh không được chuẩn bị. Còn nếu được chuẩn bị, các em sẽ trả lời trôi chảy, lưu loát và chắc chắn không sai.

Không thể mãi tung hô những thứ vốn không có trong đời sống dạy học

Chia sẻ về chủ trương giờ giảng không “diễn” của Phòng giáo dục quận Tây Hồ, ông Lê Hồng Vũ cho biết chủ trương này bắt đầu thực hiện từ năm học trước. Nhưng chưa ráo riết vì cần một khoảng thời gian để giáo viên hiểu.

“Giáo viên khi thi dạy giỏi thường kêu mệt vì phải chuẩn bị nhiều. Khi yêu cầu không phải chuẩn bị, giáo viên có vẻ gật gù nhưng lúc lên dạy lại len lén chuẩn bị. Kể cả giám khảo cũng chưa nhận thức được sâu sắc vấn đề này. Giáo viên thì lại càng không nhận thức được, lúc nào cũng muốn lén chuẩn bị một chút để hơn người khác” – ông Lê Hồng Vũ nêu thực tế.

Chính vì vậy, năm nay, phòng giáo dục Tây Hồ quyết tâm làm, có hơi nghiệt ngã một chút, khi chỉ cho giáo viên 1 ngày để chuẩn bị. Tiêu chí cũng rất rõ, nếu trong quá trình dạy, giám khảo phát hiện học sinh đã được “phím trước” nội dung giáo viên sẽ dạy gì thì sẽ không đánh giá.

Ông Vũ cho biết thêm, năm trước những tiết dạy được đánh giá cao vẫn là những tiết dạy được chuẩn bị công phu. Năm nay, sẽ không có chuyện đó.

“Chúng ta đều rất muốn mỗi bài giảng mà các thày cô đem đến Hội thi sẽ là một sáng tạo tuyệt vời, được thử nghiệm và được trình bày với một kĩ năng hoàn hảo. Nhưng cũng rất sợ sau “tiếng trống hội” rộn rã là hàng dài của những tiết học buồn tẻ không thể giúp cho học sinh phát hiện và phát huy tố chất vốn có của bản thân. Hay nói khác, dù rất muốn được những tiết dạy chuẩn bị kỹ lưỡng, song chúng ta đều nhận thấy đã đến lúc không thể cứ tung hô những thứ vốn không có trong đời sống dạy học” – ông Vũ nói

Trong khi đó cách đây 3 năm, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra yêu cầu này. Theo ông Vũ, ban đầu, chủ trương không nhận được sự đồng thuận. Vì giáo viên phản ứng, tiết dạy không được chuẩn bị kỹ thì dạy thế nào. Nhưng thực tế, có thể nói những giáo viên đi thi giáo viên dạy giỏi đã dạy những bài đó, tiết đó rất nhiều lần. Họ chỉ cần chỉnh trang một chút là thành công. Nhưng khi đánh giá, lại yêu cầu hoàn hảo từ học trò đến giáo viên nên vô tình ép giáo viên phải chuẩn bị trước.

Năm nay, phòng đã thống nhất với giám khảo và giáo viên dự thi của quận để họ không phải băn khoăn. Nói chung, đa số giáo viên đều ủng hộ. Nhưng không phải không có những người không ủng hộ. Vì họ vẫn còn thói quen cũ, kiểu như ngày hội thì phải ăn mặc đẹp chứ không đẹp không được.

Giờ giảng không diễn theo ông Lê Hồng Vũ không hẳn hoàn toàn bình thường, chỉ là một tiết học được chuẩn bị kỹ hơn chứ không phải đầu tư quá nhiều.

“Nhưng dự một số tiết vẫn thấy giáo viên bày ra nhiều thứ. Trong khi đó, có những thứ không cần thiết. Vì không phải học sinh nào cũng cần thiết tiếp cận cái đó. Còn phụ thuộc năng lực của học sinh. Có những đối tượng học sinh chỉ cần dừng ở mức độ hiểu và biết là đã thành công. Nhưng cũng có những học sinh phải ở mức độ hiểu sâu, vận dụng và vận dung cao. Vì vậy, thước đo chính là đối tượng học sinh. Học sinh có tiếp nhận được những thứ mà giáo viên đưa ra hay không. Và có thể thực hiện được điều giáo viên mong muốn ở học sinh không. Yêu cầu cá nhân hóa trong giáo dục là yêu cầu chúng ta phải cố gắng thực hiện bằng được” – ông Vũ chia sẻ.

Chính vì vậy, một lần nữa ông Vũ khẳng định trong đánh giá, Ban giám khảo năm nay sẽ không đánh giá cao những tiết dạy mà ở đó tất cả đều nhận thấy học sinh đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, được học trước, giáo viên được sử dụng những phương tiện, kỹ thuật dạy và học mà thường nhật không mấy khi được áp dụng.

Ban giám khảo sẽ đánh giá rất cao những tiết dạy mà ở đó các em học sinh được hồn nhiên thể hiện cách hiểu, cách biết của mình. Những tiết dạy mà hàng ngày các em vẫn được học, những tiết dạy mà các thày cô giáo hàng ngày vẫn làm như thế. Những tiết dạy không hề được chuẩn bị công phu nhưng chưa đựng tình yêu, niềm tin, trách nhiệm và trí tuệ của người thầy. Những tiết dạy của niềm vui và hạnh phúc.

MỚI - NÓNG