Giơ cao đánh khẽ

0:00 / 0:00
0:00
Giơ cao đánh khẽ
TP - Nghị viện Châu Âu (EP) vừa giáng một đòn lên quan hệ giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc (TQ). Họ không thông qua một hiệp định thương mại mà cả EU và TQ đều mong sau bảy năm thảo luận. Thực tình, cái gọi “đòn” chỉ là nốt nghịch phách của bản tổng phổ mà cả hai đều muốn tấu lên rằng họ không thể xa nhau.

Phán định của EP hôm 21/5 được xem như ý chí của 27 quốc gia thành viên bởi tỷ lệ ủng hộ áp đảo. Với 30 phiếu chống và 58 phiếu trắng, chủ yếu đến từ các đảng cực tả và cực hữu trong EP, còn lại 599 nghị viên đồng tình ngăn thực thi Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) mà EU và TQ đạt được tháng 12 năm ngoái.

Đóng băng CAI có vẻ khá bất ngờ với TQ. Họ không nghĩ đối tác dám gạt lợi ích kinh tế mà các nhà tư bản Châu Âu có thể gặt hái. Nói riêng, nếu thực thi hiệp định, TQ sẽ khó có thể ép doanh nghiệp EU chuyển giao công nghệ, nỗi nhức nhối mà EU muốn chấm dứt càng sớm càng tốt.

Hoãn phê chuẩn CAI trong bối cảnh EU vừa lên kế hoạch giảm phụ thuộc TQ. Ngày 6/5, họ công bố kế hoạch giảm liên kết với TQ trên sáu lĩnh vực chiến lược. Họ cũng hạn chế để TQ mua các doanh nghiệp hoặc tham gia các đấu thầu công ở EU. Tháng 3/2019, lần đầu tiên EU xem TQ như một “kình địch toàn diện”.

Nhưng nếu vượt qua các biểu hiện trực tiếp vốn hay che lấp các yếu tố ổn định bên trong, chuyện có vẻ khác. EP thừa nhận làm thế chỉ để trả đũa TQ trừng phạt 10 công dân và một thực thể của EU. Thực ra, TQ còn mạnh tay hơn khi EU chỉ trừng phạt bốn công dân và một thực thể của họ quanh các tranh cãi về dân chủ và nhân quyền.

TQ từ lúc nào đã thành đối tác thương mại lớn nhất của EU chứ không phải Mỹ. Charlene Barshefsky, cựu đại diện thương mại Mỹ thời Clinton, thừa nhận chuyện ấy. Năm 2020, thương mại Mỹ-EU 671 tỷ USD, còn giao thương TQ-EU cán mốc 709 tỷ USD.

Thậm chí kịch bản EU sát cánh Mỹ để ghìm TQ cũng chỉ là mơ. Chí ít với tham vọng tự chủ, vẫn theo bà Barshefsky, EU không thể mang tiếng theo đuôi Mỹ chống TQ. Với hiệp định CAI, các ông lớn trong EU chắc không thể kiên nhẫn mãi, nhất là Đức đang khát xuất xe hơi sang đấy. Ở tầm bao quát hơn, EU vốn là thực thể rất khó chung tiếng giữa lúc tư duy Bắc Âu và Nam Âu về TQ thường khác nhau. Khi không chỉ một Hungary trong lòng EU kiên trung bênh vực TQ, tuyên bố hùng hồn không phê chuẩn CAI có lẽ chỉ là trò chơi nhất thời.

MỚI - NÓNG