Căn nhà nấp sau khu sân vườn cà phê, ngổn ngang các loại cổ vật mà ông nhặt nhạnh từ trong dân và mua từ những gánh ve chai, lông vịt trong hàng chục năm. Chủ nhân của kho báu này là ông Trương Ngọc Tường, một nhà giáo về hưu, cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng ở thị trấn Cai Lậy, Tiền Giang.
Ông dẹp mấy thứ vật cổ nằm lổn nhổn, chọn lấy hai bình cắm hoa rồi nói: “Cái bình trắng này làm từ thời nhà Lý, mua 600 ngàn đồng. Nhưng mấy cái lọ hoa, chén dĩa đời Minh, Thanh bên Trung Quốc mua cả chục triệu”.
Ông cho xem mấy bản Kiều và Lục Vân Tiên bằng chữ Nôm ấn hành năm 1864, 1870, 1872. Đặc biệt bản Kiều độc nhất thiên hạ in năm 1879 của Liễu Văn Đường và Chung Văn Hà. Chưa kể bản gốc Đại Nam quốc âm tự vị trả bao nhiêu cũng không bán. Hay quyển Khâm định Việt sử cương mục có bút tích của vua Tự Đức, ông nâng niu như báu vật. Quyển tự điển Taberd thời Minh Mạng, ấn hành tại Pháp có người ngã giá trên 100 triệu đồng. Sưu tầm sách, sử cổ từ những năm đầu thế kỷ 20 hay trước đó, ông thường chú tâm vào các danh nhân văn hóa, nhà văn tiền bối ở vùng đất Nam Bộ.
Căn nhà dường như quá chật để đồ cổ thở. Có nhiều loại chưng đèn từ thời đốt sáp (nến), dầu đá (dầu lửa) thời Pháp. Ông mở tủ trong buồng mang ra ba cái khay trầu rượu, cho biết: Khay màu sáng, chạm trổ xà cừ, đường nét tinh xảo là vật gia bảo do ông bà nội ông là địa chủ để lại.
Còn khay gỗ mun đen, chạm trổ đơn giản, họa tiết mộc mạc từng được Hoàng Thái hậu Từ Dũ sử dụng. Khay chạm trổ, cẩn xà cừ khác là hàng chợ của người Hoa đất Nam Bộ xưa hay dùng. Giá trị của từng thứ không thể quy ra tiền được, ông nói.
Ông đam mê những thứ là hồn quê Nam Bộ, nhất là vật dụng trang trí, đồ thờ cúng, tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc Hoa, Việt, Khmer. Ai từng cày ruộng ngồi nghe ông nói về cái cày của từng vùng, miền phải giật mình. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh thời từng đến thăm mấy cái cày mà ông sưu tầm, vì Thủ tướng cũng có ý tưởng xây dựng một bảo tàng công cụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn Nam Bộ.
Từ Hà Nội, người ta chở trả ông hai thùng cổ vật triển lãm dịp 1.000 Thăng Long - Hà Nội. Ông khoe: Mới chuyển nhượng cho Bảo tàng Văn học nhiều món hàng độc.
Hằng ngày, ông cặm cụi tra cứu từng ký hiệu, con số, chữ Nôm, chữ Hán trên các hiện vật để truy tìm niên đại, nguồn gốc cổ vật. Tiễn khách ra về, ông còn tiếp tục giới thiệu mấy bức liễn cổ, vật dụng bắt cá của người Khmer và người Việt, Hoa thuở mới khai khẩn đất phương Nam…