Giật mình

Giật mình
TP - Đợt bạo loạn diễn ra tại một số thành phố của Anh đã tạm lắng với hơn 1.500 người bị bắt. Trong khi các tòa án của nước này mấy hôm nay làm việc cả ngày lẫn đêm để đưa ra bản án với những kẻ gây bạo loạn, nhiều nhà quan sát ở Anh nhận định, sẽ cần khoảng thời gian rất dài để xứ sở sương mù có thể “quên đi vết nhơ trên mặt mình”.

> “Siêu cớm” dạy cảnh sát Anh đối phó bạo loạn
> Hệ quả của sự bất mãn
> Anh: Nhiều người nổi loạn trẻ, nghèo, mù quáng

Trong khi ấy, cơn dịch bệnh ở nước Anh có vẻ đã lan ra nhiều nước châu Âu, nhất là các quốc gia thường xuyên có dòng người nhập cư như Pháp, Ý… Những bất ổn xã hội này được các nhà xã hội học nhìn nhận là “sự phản kháng của những người trẻ kém may mắn” với “bốn không”: không nghề nghiệp, không tiền, không tương lai và ba cái không này dẫn đến cái không thứ tư: không có gì để mất. Ở Pháp, từ những năm 2005 - 2006, bạo lực và bất ổn lên cao trào khi thanh thiếu niên nhập cư, những người thường xuyên bị kỳ thị và dẫn đến các hành động để tiếp tục bị coi là tầng lớp dưới của xã hội, tổ chức đốt phá, cướp bóc quy mô lớn.

Những tưởng chuyện này chỉ có ở Pháp, nơi người nhập cư, đa số gốc Phi và Ảrập, bị dồn về những khu vực nghèo dành riêng cho họ. Nhưng ở Anh, dù chính phủ vẫn để người nhập cư chung sống cùng nhóm nhà giàu, sự phân cách sang hèn, giàu nghèo và cảm giác bị gạt ra lề ở một số người vẫn có nhiều “đất sống”. Những đợt bạo loạn với đốt phá, cướp bóc, hành hung người xảy ra liên tiếp ở nhiều thành phố khiến chính quyền Anh hết sức bối rối. Thủ tướng David Cameron đã phải cân nhắc những biện pháp mà phương Tây thường chỉ trích một số quốc gia khác nếu họ dùng đến: chặn các mạng xã hội như Facebook, Twitter… Thậm chí ngay cả mạng nhắn tin của dòng điện thoại BlackBerry (miễn phí và có độ bảo mật rất cao) cũng có thể phải ngưng hoạt động. Đơn giản vì, như một khoa học gia chuyên phân tích “những dịch bệnh xã hội”, chìa khóa cho chính phủ trong việc chặn đứng bạo loạn là ngăn sự lan truyền tâm lý, cách ly những kẻ nổi loạn với nhóm thanh niên đang ở dạng “tiềm năng gây rối”.

Điều thú vị, nhưng không quá gây ngạc nhiên, trong khi nội các của ông Cameron đang bù đầu lo chuyện quốc nội, lãnh đạo một số quốc gia Bắc Phi và Trung Đông gần đây bị Anh chỉ trích như Lybia, Syria hay Iran không bỏ lỡ cơ hội, ngay lập tức “phản pháo”. Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc dùng từ “đạo đức giả” để mô tả những hành động và lời nói của chính phủ Anh. Ông Bashar Ja’afari nói:“Họ dùng từ “băng đảng” để nói về những kẻ nổi loạn ở nước họ - nhưng chỉ trích chúng tôi sử dụng từ này đối với nhóm vũ trang và khủng bố ở nước chúng tôi. Đây là một sự đạo đức giả và ngạo mạn”. Tổng thống Iran Mahmud Ahmadinejad thì giễu:“Có nước nào mà lại đối xử với dân mình theo cái kiểu như thế chăng?”.

Nhưng cho dù chính quyền Anh có phản ứng thế nào, những nước “thù nghịch” với họ có hả hê đến đâu, chuyện bạo loạn, những rạn nứt xã hội ở xứ sương mù vẫn có thể khiến không ít nước “quan sát viên” phải giật mình. Nhất là những xứ sở mà vấn đề quốc nội còn xử lý không xuể nhưng vẫn lớn tiếng dọa nạt, thậm chí sẵn sàng hung hăng gây hấn với những quốc gia khác, trong khi miệng leo lẻo những câu từ đạo đức.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG