Giáo viên vùng khó nỗ lực thực hiện chương trình, SGK mới

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS Đồng Lâm 2 (Quảng Ninh) trong một giờ học Tiếng Việt 1
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS Đồng Lâm 2 (Quảng Ninh) trong một giờ học Tiếng Việt 1
TP - Nhiều giáo viên, hiệu trưởng ở trường miền núi, vùng khó khăn nói rằng, thực hiện chương trình, SGK mới có tình trạng học sinh học trước quên sau, cô giáo phải dạy thêm ngoài giờ cho từng em.

Học trước quên sau

 Cô trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS Đồng Lâm 2, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh khá trầy trật trong một giờ học Tiếng Việt. Trường này chỉ có 29 học sinh với 2 lớp 1, trong đó điểm trường chính có 1 lớp với 22 em.

Vào giờ học Tiếng Việt, bài ôn tập, trang 78-79, SGK Tiếng Việt 1, bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” của NXB Giáo dục Việt Nam, giáo viên phải loay hoay với các thao tác chuẩn bị máy chiếu, kẻ bảng. Bài học gồm nhiều phần, nhiều học sinh khá vất vả ngay từ phần ghép âm.

Đến phần đọc đoạn, nhiều em chưa đọc trơn được, buộc phải đánh vần từng chữ. Bàn Tiến Phú, một học sinh trong lớp, cho biết, ngoài học trên lớp với cô giáo cả ngày, tối về nhà, em vẫn phải cần đến sự kèm cặp của mẹ.

Cô Bàn Thị Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 1, cho biết, đa số học sinh có bố mẹ làm nông cả ngày, không có điều kiện kèm cặp học buổi tối, nên giáo viên gặp nhiều khó khăn khi dạy học chương trình mới. Ở đây, học sinh vào lớp 1 chưa thuộc bảng chữ cái, nên trong tháng đầu, cô trò khá chật vật để theo các bài học trong SGK.

Tuy nhiên, sau khi có hướng dẫn mới của Bộ GD&ĐT về việc giáo viên có quyền chủ động, linh hoạt trong bố trí chương trình dạy học, cô đã phân loại học sinh trong lớp để kèm cặp đến từng em.

“Sau gần 2 tháng, đến nay đã có khoảng 50% học sinh của lớp có thể đọc trơn, học sinh giảm bớt tình trạng học trước quên sau”, cô Hường nói.

Ông Vũ Hoàng Luân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS Đồng Lâm 2, đánh giá, với chương trình, SGK mới, các môn học rất hay, môn Toán thật sự giảm tải, riêng môn tiếng Việt lớp 1 thiết kế nặng, tốc độ đi bài nhanh. Ông nói rằng, điều may mắn là lớp có sĩ số học sinh thấp, thừa giáo viên nên có điều kiện kèm đến từng học sinh. Đổi mới phương pháp dạy học, dù trường vùng khó nhưng cũng được đầu tư máy tính nối mạng, giáo viên có thể kết nối để dễ dàng thu thập dữ liệu cho bài dạy thêm phong phú.

Cần có SGK sớm để nghiên cứu

 Trong khi đó, việc thực hiện chương trình, SGK mới ở Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long lại thuận lợi hơn. Phòng học được trang bị máy chiếu, giáo viên chuẩn bị cả giỏ các loại quả có tên trong bài học để học sinh được quan sát rõ. Đa số học sinh đều đọc bài khá nhanh.

Cô Nguyễn Thị Hải Hà, giáo viên dạy lớp 1, cho biết, nhà trường chọn các đầu sách ở nhiều bộ sách khác nhau. Trường thường xuyên tổ chức họp các tổ chuyên môn để các giáo viên thảo luận, đưa ra những giải pháp phù hợp, từ khâu thiết kế đồ dùng học tập, bộ chữ cho học sinh đến phương pháp giảng dạy…nên khi bước vào dạy chính thức, giáo viên không gặp khó.

Bà Lê Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Quảng Ninh), cho hay, qua 2 tháng triển khai SGK mới, có nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt tăng cường hoạt động trải nghiệm khiến học sinh hứng thú hơn.

Tuy nhiên, thực tế vẫn khó khăn ở chỗ, năm học này SGK chuyển về khá gấp gáp, giáo viên không có đủ thời gian đọc, nghiên cứu kỹ. Bà Hương mong muốn, năm học tới, SGK mới áp dụng từ lớp 2 bậc tiểu học sẽ được phát hành sớm hơn. Các NXB cũng dành thời gian tập huấn trực tiếp cho giáo viên.

MỚI - NÓNG