SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều: Đề nghị tác giả thay thế ngữ liệu phù hợp hơn

SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều: Đề nghị tác giả thay thế ngữ liệu phù hợp hơn
TP - Tối 15/10, Bộ GD&ĐT thông báo kết quả rà soát SGK Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều, trong đó, Hội đồng thẩm định đề nghị tác giả chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu thay thế một số đoạn/bài đọc phù hợp hơn với học sinh lớp 1. 

Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn. Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115, bài “Hai con ngựa” trang 157, bài “Lừa, thỏ và cọp” trang 163…; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà… quà”, “chén”…

Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài có nội dung đa nghĩa, nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng văn học Việt Nam. Bộ GD&ĐT yêu cầu NXB và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng, để lọt “sạn” trong SGK Tiếng Việt 1 trách nhiệm trước hết thuộc về Hội đồng thẩm định, sau đó mới đến tác giả, NXB. Trước khi sách được dạy học đại trà, Bộ GD&ĐT cần phải thực nghiệm trên diện rộng, thay vì giao cho NXB và tác giả như hiện nay.

Trên website Cánh Diều, đơn vị này đưa Biên bản thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia môn Tiếng Việt 1 của nhóm tác giả: Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên, kiêm chủ biên), Hoàng Hòa Bình, Nguyễn Thị Ly Kha, Lê Hữu Tình, Hoàng Thị Minh Hương… Theo đó, bộ sách được 15/15 thành viên Hội đồng thẩm định biểu quyết đánh giá bản mẫu “Đạt”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục, cho rằng, trước hết, trách nhiệm thuộc về tác giả vì Hội đồng thẩm định đã chỉ ra những lỗi này nhưng tác giả kiên quyết không sửa. Hội đồng thẩm định là đơn vị được giao toàn quyền đánh giá, thẩm định bộ sách có đạt hay không nhưng vẫn để lọt “sạn” đáng tiếc. Điều này cần phải xem xét cụ thể quy định của quy trình thẩm định, quyền của tác giả đến đâu. Tuy nhiên, khi đã xảy ra sự cố, trước mắt, Hội đồng thẩm định và tác giả, NXB phải cùng nhau bàn bạc cách khắc phục, chỉnh sửa để học sinh không bị ảnh hưởng bởi những sai sót đó.

Theo TS Lâm, trong năm 2021-2022, bộ SGK lớp 2, lớp 6 cũng được Hội đồng thẩm định thông qua và đưa vào sử dụng đại trà, Bộ GD&ĐT cần rút kinh nghiệm, trước đó nên đưa bản mẫu lên mạng, lấy ý kiến dư luận rộng rãi cũng là một cách “nhặt sạn” tích cực.

Thiếu thời gian thực nghiệm?

Nhiều người cho rằng, đổi mới chương trình, SGK được chuẩn bị trong nhiều năm, nhưng để một bộ sách chưa qua thực nghiệm trên diện rộng trong thời gian dài là thiếu thuyết phục.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên SGK Tiếng Việt 1, cho biết, trước khi đưa ra dạy học, bộ sách được thực nghiệm 2 năm liền, từ bài 1 đến bài cuối cùng ở trường học tại Hà Nội. Bộ sách đã nhận được nhiều góp ý của các giáo viên đứng lớp. Hội đồng thẩm định sách cũng có ít nhất 30% thành viên là giáo viên tiểu học đánh giá. Tuy nhiên, GS Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1, cho rằng, trước khi áp dụng đại trà, bộ sách chỉ được tác giả và NXB thực nghiệm vài tháng trên thực tế. Theo GS Chừ, Bộ GD&ĐT nên thực nghiệm để đảm bảo khách quan hơn.

Về việc thẩm định SGK, TS Lâm cho rằng, quy trình hiện nay chưa đảm bảo chặt chẽ. Sau khi tác giả gửi bản mẫu, được Hội đồng thẩm định thông qua, Bộ GD&ĐT cũng cần có một hội đồng độc lập thẩm định lại lần nữa, có như vậy mới cho ra kết quả khách quan, chặt chẽ hơn. “Việc thực nghiệm hiện nay trách nhiệm đang giao cho NXB và tác giả nhưng nếu đủ điều kiện, Bộ GD&ĐT nên tiến hành thực nghiệm trên diện rộng trước khi áp dụng đại trà cũng sẽ đánh giá được chất lượng bộ sách tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay có một vấn đề là mỗi năm thực hiện cuốn chiếu một bộ sách, thời gian gấp gáp khó có thể thực hiện được điều này”, ông Lâm nói.

Quy trình đầy đủ, nhưng…

Ngày 15/10, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có một báo cáo riêng gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề của giáo dục-đào tạo, trong đó có nội dung được dư luận quan tâm là SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều. Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cử tri và nhân dân một số nơi bức xúc vì giá SGK tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”; bên cạnh đó còn thiếu hướng dẫn, thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng SGK trong các nhà trường. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nói: “Khi đi giám sát, chúng tôi nhận thấy Bộ GD&ĐT có quy trình rất đầy đủ, nhưng sao vẫn để xảy ra lỗi trong SGK Tiếng Việt 1?”.

Yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát quy định liên quan chương trình, SGK

Chiều 15/10, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về SGK. Vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng, SGK Tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh Diều (là 1 trong 5 bộ sách được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt) có nhiều điểm không phù hợp. Các ý kiến này chưa được Bộ GD&ĐT phản hồi kịp thời. Bộ GD&ĐT cần tăng cường chỉ đạo việc nghiên cứu các ý kiến góp ý, có quyết định kịp thời, phù hợp theo đúng thẩm quyền để bảo đảm chất lượng của SGK mới.

Từ thực tiễn biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK lớp 1 mới vừa qua, Bộ GD&ĐT cần rà soát ngay các quy định, tổ chức thuộc trách nhiệm của Bộ, của Bộ trưởng liên quan chương trình, SGK; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để huy động, phát huy đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến đối với SGK mới và xây dựng kho học liệu điện tử theo chương trình mới.

MỚI - NÓNG