Giáo viên nói gì về bức tranh giáo dục phổ thông Việt Nam năm 2024?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm 2024, ngành giáo dục tiếp tục đối mặt với thách thức thiếu giáo viên. Một trong những tin rất vui với thầy cô giáo trong năm nay, theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, giáo viên là đối tượng được thực hiện cải cách tiền lương dự kiến từ 1/7.
Giáo viên nói gì về bức tranh giáo dục phổ thông Việt Nam năm 2024? ảnh 1

Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội

PV Tiền Phong trao đổi với thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội để đưa ra những dự báo nhất định đối với giáo dục phổ thông Việt Nam trong năm 2024.

Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, học sinh lớp 12 năm nay là thế hệ cuối cùng sử dụng sách giáo khoa cũ của chương trình Giáo dục phổ thông 2006, kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và các kì xét tuyển đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 cũng gần như khép lại vai trò của chương trình cũ để thay thế bằng chương trình mới khoa học, công phu và hiện đại hơn.

Giáo viên đều mong chờ chế độ lương mới năm 2024

Thầy Nguyễn Thành Công cho rằng, một trong những tin rất vui với thầy cô giáo trong năm nay, theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, giáo viên là đối tượng được thực hiện cải cách tiền lương dự kiến từ 1/7/2024.

Theo giáo viên này, thầy, cô giáo đều mong chờ chế độ lương mới năm 2024 trong đó lương nhà giáo được cấu thành từ 3 bộ phận: lương cơ bản, phụ cấp và đặc biệt có thêm phần tiền thưởng. Chế độ lương mới có thể khiến thầy cô giáo trẻ yên tâm công tác, có động lực để phấn đấu, thầy cô giáo nhiều năm kinh nghiệm có đủ lương để chăm lo cho gia đình, cho sinh hoạt phí, cho học tập của con cái.

“Nếu lương của công chức, viên chức trong năm nay tăng 30% và lương của công chức, viên chức ngành y tế và giáo dục tăng cao hơn so với mặt bằng chung của các ngành khác sẽ là một cú hích rất mạnh giúp thu hút nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục, giúp thầy cô yên tâm công tác, tập trung cho công tác giảng dạy”- thầy Công nêu quan điểm.

Cũng theo thầy Công, chế độ lương được cải thiện, môi trường làm việc của thầy cô giáo trong môi trường giáo dục cũng cần được cải thiện theo. Lương là 1 phần, môi trường làm việc cũng là một phần quan trọng giúp giáo viên gắn bó với nghề. Một môi trường làm việc tốt khi cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu làm việc của thầy cô giáo, các trang thiết bị dạy học dần được trang bị đầy đủ theo yêu cầu của chương trình dạy học.

Mặt khác, theo giáo viên này, đồng nghiệp thân thiện, hỗ trợ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ, “sếp” tâm lí, thấu hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của từng nhân viên để sử dụng nguồn nhân lực một cách khoa học, giao nhiệm vụ đúng người, đúng việc để phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân. Có chế độ thưởng cho thầy cô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để động viên về tinh thần, quan tâm động viên thầy cô giáo, phát hiện kịp thời các dấu hiệu căng thẳng về thể chất, tinh thần để duy trì chất lượng và hiệu quả làm việc của thầy cô.

Giáo viên luôn bị “giật mình” khi nghĩ về nghề đó là lượng hồ sơ sổ sách

Thầy Công cho rằng, một trong những khía cạnh mà thầy, cô giáo luôn bị “giật mình” khi nghĩ về nghề đó là lượng hồ sơ sổ sách, tôi hi vọng rằng trong năm 2024 và các năm sau đó cùng với sự phát triển của công nghệ, của số hóa các hồ sơ, tài liệu thì lượng hồ sơ, sổ sách của thầy cô giáo phải hoàn thành cũng giảm dần, số hóa dần để việc lưu trữ, truy cập trở nên dễ dàng hơn.

“Các hồ sơ chuyên môn cần tích hợp, giảm số đầu mục, hồ sơ điện tử được cải tiến, dễ truy cập và sử dụng. Các hồ sơ thi đua, hồ sơ quản lí cũng như các hồ sơ khác có thể sử dụng hệ thống dữ liệu chung, bổ sung thêm hệ thống dữ liệu riêng ngắn gọn để giảm tải gánh nặng làm hồ sơ cho thầy cô giáo và các chuyên viên giáo dục”- thầy Công nhận định.

Thầy, cô giáo cần thoát khỏi tư duy dạy theo bộ sách giáo khoa

Thầy Công chia sẻ, năm 2024 là năm kết thúc sứ mệnh của chương trình Giáo dục phổ thông 2006, khi đó toàn ngành giáo dục tập trung cho chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Chương trình mới theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất.

Giáo viên này cho rằng, các năng lực, phẩm chất này đều được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

“Về việc lựa chọn sách giáo khoa tôi mong rằng các cơ sở giáo dục, thậm chí học sinh có thể tự chọn sách giáo khoa cho mình. Thầy, cô giáo cần thoát khỏi tư duy dạy theo bộ sách giáo khoa nào, coi sách giáo khoa là “thánh chỉ” mà thầy cô lựa chọn dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với từng môn học, sách giáo khoa chỉ là 1 công cụ tham khảo trong quá trình giảng dạy của thầy cô và do đó thầy cô có thể sử dụng bất kì bộ sách giáo khoa nào để tham khảo”- thầy Công nêu quan điểm.

Vấn đề dạy học tích hợp các môn ở cấp THCS là xu hướng phổ biến

Về vấn đề dạy học tích hợp các môn ở cấp THCS, theo thầy Công dạy học tích hợp là xu hướng phổ biến của giáo dục tiếp cận phát triển năng lực trên thế giới hiện nay. Bản chất của Khoa học tự nhiên là khoa học về thế giới xung quanh chúng ta, nó được tách thành các mảng nhỏ như Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí tự nhiên và thiên thể… để dễ tiếp cận hơn và nghiên cứu sâu sự vật ở khía cạnh nhất định.

Giáo viên này cho rằng, việc đưa 3 môn vào 1 làm rút ngắn các nội dung trùng lặp, tối ưu hóa thời gian giảng dạy. Nội dung kiến thức của 3 môn học liên kết với nhau thông qua các nguyên lý và khái niệm chung của tự nhiên, thuận lợi trong việc thiết kế một số chủ đề tích hợp như chủ đề về biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên...

“Cái khó nhất là việc giải quyết vấn đề “1 thầy dạy 3 môn hay 1 môn 3 thầy dạy”. Tôi nghĩ rằng vấn đề này nhà trường bố trí dựa trên nhân sự hiện tại, nếu trong tương lai lượng giáo viên KHTN hay KHXH được đào tạo bài bản, có năng lực giảng dạy tích hợp cả 3 môn là điều lí tưởng nhất, để làm được điều này, các cơ sở giáo dục phải có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và thông qua các Sở Giáo dục, đặt hàng các trường Sư phạm đào tạo giáo viên dạy tích hợp, các trường Sư phạm xây dựng kế hoạch mở mã ngành, tuyển sinh và đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội”- thầy Công nói.

Thầy Công nhấn mạnh, quá trình phối hợp giữa các cơ sở giáo dục cấp phổ thông với các đơn vị đào tạo Sư phạm mang tính dài hạn để thay thế dần, đảm bảo không xáo trộn việc làm của các thầy cô dạy học riêng môn.

"Có một vấn đề mà tôi vô cùng mong muốn đi vào thực tiễn đó là môn Trải nghiệm Hướng nghiệp, môn học này có vai trò vô cùng quan trọng nhưng có lẽ nhiều nhà trường cũng như nhiều thầy cô, học sinh và phụ huynh xem nhẹ. Việc hướng nghiệp tốt đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phân luồng giáo dục, việc hướng nghiệp tốt sẽ giúp học sinh lựa chọn môn học phù hợp, có định hướng. Ở cấp THCS nếu học sinh chỉ tập trung vào 3 môn học Toán, Văn và tiếng Anh mà không chú trọng KHTN hay KHXH khiến các em lên cấp 3 sẽ chỉ tập trung vào các khối ngành kinh tế, tài chính… còn các ngành khoa học, kĩ thuật, sản xuất sẽ ít học sinh theo đuổi, nhân lực chất lượng cao ở các ngành này sẽ bị ảnh hưởng"- Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới nhất về cây đa đổ gục ở đền Bà Kiệu
Thông tin mới nhất về cây đa đổ gục ở đền Bà Kiệu
TPO - Do ảnh hưởng của cơn bão YAGI, cây đa phía sau đền Bà Kiệu (mặt phố Lò Sũ) đã bị bật gốc trước sức gió khủng khiếp, gây thiệt hại đến công trình phụ trợ. Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội tích cực phối hợp với lực lượng chức năng để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão.